Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra thông điệp trên khi đề cập đến hành trình “cai nghiện” khí đốt Nga mà đất nước ông đang tích cực thực hiện kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Nền kinh tế số 1 châu Âu dự kiến sẽ thoát phụ thuộc vào Nga về năng lượng vào cuối năm 2023. Hiện nhiều biện pháp đang được thực hiện để Đức “vượt qua mùa đông này”.
Thủ tướng Đức cũng ca ngợi những nỗ lực mà đất nước ông đã đạt được để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Thủ tướng Olaf Scholz hôm 13/9 cho biết, các nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới theo kế hoạch của Đức sẽ sẵn sàng nhận hàng nhập khẩu vào cuối năm 2023.
Phát biểu tại sự kiện German Employers' Day (ngày dành cho người sử dụng lao động) ở Berlin, ông Scholz cho biết: “Vào tháng 1 năm sau, nhà ga đầu tiên trong số các nhà ga mới này sẽ bắt đầu hoạt động và các kết nối đường ống của họ sẽ được mở rộng và phát triển”.
“Vào cuối năm tới, chúng ta có thể sẽ sẵn sàng nhập khẩu khí đốt - ở Wilhelmshaven, ở Stade, ở Brunsbüttel, ở Lubmin - ít nhất ở 4 địa điểm này, và sau đó chúng ta sẽ có thể nhập khẩu tất cả khí đốt mà chúng ta cần một cách độc lập với Nga”, ông cho biết thêm.
Bốn cơ sở lưu trữ nổi và tái khí hóa (FSRU) này có khả năng nhập khẩu ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt bằng đường biển mỗi năm, và 2 trong số những cơ sở này sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
“Ai có thể nghĩ rằng đất nước này có thể đạt được điều đó trong một thời gian ngắn như vậy? Tôi rất tự hào về điều đó”, Thủ tướng Đức tuyên bố.
Ông cũng hoan nghênh việc Đức nhanh chóng lấp đầy kho dự lượng khí đốt cũng như bảo trì các nhà máy điện chạy bằng than của nước này.
Ông cho biết thêm, chính phủ Đức đang tìm cách đảm bảo rằng một số nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam nước Đức, vẫn chưa bị đóng hoàn toàn, có thể tiếp tục hoạt động cho đến mùa xuân năm sau để tránh các điểm nghẽn năng lượng.
“Những nỗ lực chung của chúng ta đã được đền đáp và chúng ta sẽ vượt qua được mùa đông này”, ông Scholz tuyên bố.
Ông cũng cam kết sẽ cải tổ thị trường năng lượng ở Đức trước khi mùa đông ập đến. Hiện tại, giá năng lượng được gắn với giá khí đốt, có nghĩa là các nhà sản xuất năng lượng khác sẽ kiếm được lợi nhuận khổng lồ trong khi người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang.
Ông Scholz cho biết, bất kỳ cải cách nào cũng sẽ được thực hiện phối hợp với EU trong bối cảnh khối này đã đưa ra một số đề xuất, bao gồm thuế bạo lợi đối với các sản phẩm năng lượng tạo lợi nhuận cao để giúp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn điện của họ.
Chính phủ Đức cũng đã đồng ý với gói cứu trợ trị giá 65 tỷ Euro để hỗ trợ các hộ gia đình khỏi tác động của lạm phát, bao gồm kế hoạch tiếp tục hệ thống vận tải công cộng giá rẻ cũng như giảm thuế.
Minh Đức (Theo DW, Reuters)