Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên đường công du Nam Mỹ hôm 28/1 (ảnh: DW)
Phát biểu trực tuyến trước báo giới hôm 28/1, ông Scholz cho biết 3 mũi nhọn trong chính sách của Đức về Ukraine bao gồm viện trợ nhân đạo, tài chính và vũ khí; ngăn chặn xung đột leo thang; phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, đồng thời kiếm chế mọi hành động đơn phương.
Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng, Đức tuyệt đối sẽ ngăn chặn nguy cơ “chiến tranh giữa Nga và NATO”.
Thủ tướng Đức cho biết, 3 mũi nhọn trên là cách tiếp cận mà Berlin sẽ kiên định trong tương lai. Mới đây, Đức quyết định gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine và cho phép các nước khác hành động tương tự. Theo ông Scholz, động thái trên phù hợp với chính sách của Đức.
Trong bài phát biểu hôm 28/1, ông Scholz cũng tuyên bố, mục tiêu của Đức khi viện trợ tài chính – vũ khí cho Kiev là ngăn Nga thay đổi biên giới với Ukraine bằng vũ lực.
“Mục tiêu của chúng tôi ở Ukraine rất rõ ràng. Nga không được phép thành công trong việc thay đổi biên giới bằng vũ lực”, ông Scholz nói.
Tháng 9 năm ngoái, Nga đã tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine bao gồm Kheron, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk. Đức không chấp nhận điều này.
Tuần trước, một cuộc khảo sát do YouGov thực hiện theo đề nghị của DPA (hãng thông tấn Đức) cho thấy, 43% người Đức phản đối kế hoạch gửi xe tăng cho Ukraine, 39% ủng hộ và 16% không trả lời.
“Nhiều người dân lo lắng. Tất nhiên, chúng ta muốn hòa bình ở châu Âu. Xung đột không nên lan rộng. Chính phủ và Thủ tướng Đức cần giữ bình tĩnh và tỉnh táo. Tôi cam kết điều này với các bạn”, ông Scholz nói.
Pháo Nga ở Donetsk (ảnh: TASS)
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc Đức, Mỹ và Anh cam kết gửi xe tăng cho Ukraine là “hành động can dự trực tiếp” vào xung đột. Ông Peskov nhấn mạnh, xe tăng từ phương Tây không phải yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong xung đột ở Ukraine.
Hôm 28/1, lực lượng Ukraine ở Donetsk thông báo, quân đội Nga nã pháo dữ dội vào 40 khu định cư gần thành phố Bakhmut.
Nhiều nguồn tin quân sự của Al Jazeera cho hay, lực lượng Ukraine đang bị áp đảo về hỏa lực ở Bakhmut và đang chật vật phòng thủ thành phố.
“Quân đội Nga phá hủy bất cứ thứ gì có thể che chắn. Lực lượng Ukraine không có đủ pháo để đáp trả”, nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Theo Al Jazeera, nguy cơ Bakhmut bị quân đội Nga bao vây đang ngày càng lớn.
Vương Nam – RT, Al Jazeera