Trong cuốn sách Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, một trong những ý tưởng đọng lại rất sâu trong tôi, để rồi mỗi lần gặp phải những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, tôi luôn nhớ lại thông điệp này để mạnh mẽ và kiên trì vượt qua. Đó là: Vũ trụ này, cuộc đời này sẽ bắt bạn học đi học lại một bài học mãi cho đến khi nào bạn qua được mới thôi.
Hôn nhân là một điều rất thiêng liêng. Bởi không phải ngẫu nhiên mà hai người xa lạ gắn kết nên vợ nên chồng với nhau. Rồi từ mối tương quan đó lại tạo ra những sinh linh, những sự sống mới – đó là một món quà đặc biệt và kỳ diệu cho hành trình thiêng liêng này. Và đâu đó, sự gắn kết của vợ chồng trong một giai đoạn nào đó – dù ngắn hay dài – thật sự có ý nghĩa trong hành trình giúp những đứa trẻ lớn lên và học những bài học cuộc sống.
Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học mới. Đừng tưởng rằng khi chúng ta kết thúc những năm đèn sách ở nhà trường thì không còn phải học gì nữa. Cuộc đời này là một trường học lớn, mà qua bất cứ một công việc, một mối quan hệ, một sự kiện, một biến cố, một tình trạng, một con người nào đó mà ta gặp gỡ trong đời… đều mang đến cho ta những bài học và bài tập buộc ta phải học, phải hành. Hành trình ấy chỉ thật sự kết thúc khi bạn đã học được trọn vẹn bài học dành cho mình.
Bạn hãy nhớ lại thuở cắp sách đến trường, có những bài học mang lại niềm vui, hứng khởi và khá dễ dàng; nhưng cũng có những bài học đầy khó khăn, thách đố kiểu như những bài tập nâng cao.
Ở trường đời hay trong “trường hôn nhân” này cũng vậy, bên cạnh những ngọt ngào, san sẻ, vui tươi… còn có cả những điều có thể khiến bạn căng thẳng, mỏi mệt, buồn đau; và bạn hãy biết rằng đó là những điều tất yếu trong mọi “trường hôn nhân”. Tuy nhiên, khi bạn nhận thức được rằng đó là những bài tập khó, bài tập nâng cao giúp bạn giỏi hơn, xuất sắc hơn, có được phần thưởng cao hơn thì bạn sẽ có được động lực và tạo cho mình một tâm thế vững vàng, tập trung để tìm mọi cách chinh phục cho được những bài tập khó ấy. Ngược lại, nếu bạn không nhìn ra đó là bài học dành cho mình, bạn sẽ khó lòng để dồn sự nỗ lực, cố gắng và rồi bạn sẽ dễ thấy mình đã “cố gắng hết sức” và bỏ cuộc rất sớm.
Vậy đâu là dấu hiệu để bạn biết được mình đã cố gắng hết sức, đã hoàn thành bài học của mình trong hôn nhân?
Một chị bạn của tôi chia sẻ về quyết định ly hôn của chị ấy, chị ấy bảo rằng mối quan hệ vợ chồng của chị không còn gì có thể cứu vãn được nữa, chị đã đau khổ đến tận cùng và giờ đây chị vẫn hằng gặm nhấm những khối khổ đau cứ chờ chực tuôn trào dù chị luôn cố gắng để nuốt nó đi, nén nó lại, lãng quên nó và chờ sự nhiệm mầu của liều thuốc thời gian.
Tôi không ở trong cuộc hôn nhân đó để biết được họ đã đau khổ đến mức nào để rồi phải đi đến quyết định chia tay, nhưng qua những gì chị ấy kể, tôi tin là chị ấy chưa đi đến tận cùng của đau khổ như cách chị ấy nghĩ. Vì sao?
Nếu chị ấy đã đi đến tận cùng của khổ đau, chị ấy sẽ không còn khổ đau nữa. Tận cùng của đêm đen là bình minh; tận cùng của khổ đau là niềm an lạc, đó là quy luật của cuộc sống. Một khi bạn đi trọn tiến trình của mình để học xong bài học, phần thưởng cho bạn đó là sự hoan lạc, an nhiên, thảnh thơi, nhẹ nhàng, bình an, không còn vướng mắc, không còn hối tiếc gì đối với hành trình ấy. Ngược lại, nếu bài học còn dở dang mà bạn chọn bỏ cuộc, chắc chắn bài học ấy sẽ cứ theo bạn mãi trong những bước đường tiếp theo của bạn trong cuộc đời này, thậm chí nó còn kéo dài cho đến tận những kiếp sau nếu bạn vẫn chưa “trả bài” hoàn chỉnh.
Chị bạn tôi vừa kể trên đã đặt cho tôi câu hỏi thế này: “Chị nên đi tiếp hay dừng lại cuộc hôn nhân của mình? Chị đã ra quyết định ly hôn, nhưng chị cần có người ủng hộ quyết định đó của chị, bởi một mình chị không thấy bình an”.
Tôi nói rằng tôi không thể thay chị ra quyết định, cũng không ủng hộ hay phán xét quyết định của chị. Tôi gợi ý cho chị rằng, câu hỏi cần thiết nhất chị cần hỏi chính mình lúc này là: Bài học của chị trong cuộc hôn nhân này là gì, và chị đã học xong bài học đó chưa? Chị đã mở lòng khám phá mọi ngóc ngách trong cuộc hôn nhân của chị chưa?
Với tôi, khi chúng ta trải qua một thử thách hay một biến cố tồi tệ nào đó trong cuộc hôn nhân, chúng ta nên tìm cho ra và thấu hiểu được đâu là nguyên nhân, đâu là bài học/là thông điệp đằng sau những thứ tạo ra sự gãy đổ và tan vỡ ấy.
Tôi thường đi đến gốc rễ vấn đề mỗi khi hai vợ chồng có xung đột. Tôi thường đặt ra cho mình những câu hỏi cần tìm hiểu: Vì sao mình phản ứng thế này rồi đằng sau đó là mô thức gì điều khiển?; đời sống hôn nhân là thế nào?; phụ nữ và đàn ông khác biệt ra sao và cần đón nhận nhau thế nào?; si mê hay tham ái là gì và mình có đang ở trong tình trạng đó không?; mình và nửa kia có những niềm tin gì và theo đuổi giá trị nào?; đâu là những giá trị xung đột nhau giữa 2 người?; mỗi người vướng mắc vào điều gì?; mỗi người nhận thức ra sao?; vợ/chồng mình có những khối khổ đau nào đè nặng?; nội lực của từng người thế nào?; cả hai đã ở đâu trong tiến trình học những bài học của mỗi người?…
Những điều đó giúp tôi thấu hiểu chính mình hơn, cũng như để hiểu người bạn đời của mình rõ ràng hơn. Khi đã thấy được toàn vẹn bức tranh hôn nhân của mình ở mọi góc sáng – góc tối – phần nổi – phần chìm, bạn sẽ thấy mình đang đứng ở đâu trong đó, từ đó bạn sẽ dễ dàng trả lời được câu hỏi mình đã đi đến tận cùng bài học của mình hay chưa.
Trong trường hợp của chị bạn tôi kể trên hay của bất kỳ ai trong chúng ta, một khi chúng ta đã đi qua tiến trình chữa lành được những nỗi đau và tổn thương của mình, đã thanh thản và an nhiên với cuộc đời, đã đi đến tận cùng rồi thì muốn chia tay hay tiếp tục phụ thuộc vào tự do ý chí của bạn. Có thể bạn chọn tiếp tục đồng hành bên cạnh người bạn đời, hoặc bạn có thể chọn ra đi theo một con đường mới; hoặc sự lựa chọn của người kia là ở lại hay rời xa bạn… thì trong bạn cũng an vui, biết ơn, yêu thương, tôn trọng, ghi nhận…, không có chút sân hận hay phán xét, không khổ đau hay uất ức gì cả. Bởi khi bạn kết nối được với tình yêu đích thực, bạn sẽ nhận ra tình yêu đích thực là tình yêu lan tỏa và không phụ thuộc vào sự gắn kết. Tình yêu ấy nếu không còn một nửa bên cạnh để trao bạn thì nó sẽ chảy tràn sang cho con cái, cho anh chị em, cho bạn bè, cho đồng nghiệp, cho cuộc sống, cho nhân loại… Tình yêu đích thực ấy không vì kết thúc một mối quan hệ mà trở nên hao mòn hay cạn kiệt.
Có những người chia tay dễ dàng, nhưng rồi họ ôm một mối khổ đau kéo dài trên bước đường sau đó. Bởi lúc họ ra quyết định ly hôn, họ chỉ nhìn thấy trên bề mặt của mối quan hệ đó là sự thiếu hòa hợp mà không đi đến tận cùng của sự tỉnh thức để nhìn rõ bức tranh của cuộc hôn nhân. Có thể họ quyết định bởi bị tác động của đám đông thiếu tỉnh thức, của cảm xúc bị chi phối của khối khổ đau, bởi sự thôi thúc muốn chấm dứt ngay bế tắc...
Rồi cũng có những người cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân đã “bốc mùi” một cách vô vọng bằng sự vô minh của mình. Họ có thể theo học vài khóa học với mục tiêu cải thiện tình trạng hôn nhân. Nhưng rồi những nỗ lực hay cố gắng của họ lại xuất phát từ những mong cầu cần được đáp ứng nơi bản ngã của mình.
Họ lại sai đường bởi họ không phải cố gắng đi tìm sự thật để sống với tình yêu đích thực, nhưng lại tiếp tục vun vén cho cái tôi của mình. Và rồi họ dễ dàng rơi vào chán nản và bỏ cuộc bởi cảm thấy mình đã nỗ lực “hết sức” mà chẳng có gì đổi thay. Với tôi, đó là sự cố gắng nửa vời, bị cái tôi dẫn dắt, vướng mắc trong mong cầu. Theo cách như thế thì không thể tạo ra một thay đổi nào tích cực hay mở ra một chút ánh sáng nào cho cuộc hôn nhân.
Mọi sự đổ vỡ đều bắt đầu từ những vết rạn. Vết rạn nếu không được xử lý sẽ ăn sâu vào phần cốt bên trong. Và đến lúc đã nứt rồi thì chỉ cần cơn gió nhẹ cũng sẽ vỡ. Vậy nên, người vợ, người chồng không nên giữ trong lòng. Việc nhẫn nhịn chỉ giải quyết được triệu chứng bề ngoài, nên người vợ người chồng hãy lựa thời điểm để nói ra.
Trong thời điểm vết rạn quá lớn mà cả hai vẫn muốn làm lành thì vẫn có thể hàn gắn được, nhưng phải đến từ 2 phía. Sự chắp vá mà dựa trên cả hai phía còn tốt hơn rất nhiều so với việc "xây cái mới". Vì xây lại cái mới chắc gì đã tốt hơn cái cũ.
Vậy nên cả hai vợ chồng nên bình tâm. Chúng ta cần đứng dưới góc độ của người còn lại để mà suy nghĩ, xem hành động của mình có làm tổn thương người kia không. Khi chúng ta bình tâm, dẹp đi cái tôi rồi mà vẫn không thể thì lúc đó hãy ly hôn.
Đừng dễ buông tay khi ta chưa đi đến tận cùng của mọi bài học, và hãy buông tay để cởi trói đời nhau, cho nhau sự tự do để mở cửa cho tình yêu đích thực dù ta còn bên cạnh hay chọn chia xa.
Quỳnh