Đừng để trẻ con phải oằn mình

Đừng để trẻ con phải oằn mình "cõng" chữ vào lớp 1

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Tại các thành phố lớn, cứ mỗi dịp sau tết Nguyên đán là các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ luyện thi cho các sĩ tử nhí vào lớp 1.

Cha mẹ chạy đua vô tình đẩy con vào thế khó, mới năm tuổi nhưng các cháu phải học ôn không thua gì luyện thi vào đại học, nào môn Toán, tiếng Việt, thậm chí cả tiếng Anh. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ quan điểm lo ngại về việc ép trẻ học quá nhiều so với lứa tuổi. Xung quanh vấn đề này, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Xã hội - Đừng để trẻ con phải oằn mình 'cõng' chữ vào lớp 1

GS.VS Phạm Minh Hạc

Cha mẹ ảo tưởng làm khó con trẻ

Thưa ông, hiện nay tình trạng các bậc cha mẹ ép con đến các lớp luyện thi để ôn luyện vào lớp 1 là rất phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn. Là một người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi thấy không tốt cho các em. Việc học chữ khi chưa vào lớp một chính ra lại làm khó giáo dục tiểu học, vì học chữ từ trước thì đến khi vào lớp 1 sức học của các em sẽ không đồng đều. Trước đây ở Liên Xô (cũ), 7 tuổi mới vào lớp 1, sau đó cải cách giáo dục người ta lại đưa xuống 6 tuổi, nhưng lại cho phép phụ huynh tự nguyện, không bắt buộc. Kết quả là 50% phụ huynh cho con vào học lớp 1 khi 7 tuổi.

Ở các nước phát triển người ta không cho con đi học quá sớm. Đi học sớm quá không phải thể hiện sự thông minh mà là có hại cho các cháu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, vì tuổi các cháu còn non quá. ở tuổi này, chỉ cần các cháu biết những điều đơn giản như biết chào hỏi, biết giao tiếp...

Ở ta, các vị phụ huynh cứ cho rằng, con mình 5 tuổi nhưng biết chữ hơn con nhà người khác là thông minh nhưng thực chất điều đó không hay đâu. Trong lịch sử Tâm lý học người ta đã chỉ ra rằng, cho các em đi học sớm không có lợi gì, có thể 14 tuổi các em đó đã tốt nghiệp đại học, nhưng sau này có trở thành nhà khoa học được đâu. Ví dụ nhà toán học lỗi lạc Einsitein lên 10 tuổi ông mới bắt đầu học toán cơ mà. Tôi thấy những nhà bác học lớn không có ai đi học sớm cả.

Nhiều bậc phụ huynh không chỉ ép trẻ học tiếng Việt, học Toán mà còn bắt trẻ học cả tiếng Anh, họ coi việc con mình còn bé mà biết ngoại ngữ là một niềm tự hào. Theo ông, học ngoại ngữ quá sớm liệu có tốt cho trẻ?

Việc học ngoại ngữ ở lứa tuổi này, theo kinh nghiệm của thế giới, sau khi trẻ đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ lúc đó mới cho các cháu học ngoại ngữ, đừng nghĩ cho các cháu học sớm mà tốt. Do đó Bộ GD&ĐT nước ta quy định vào lớp 3 mới cho học ngoại ngữ. Chính vì thế không nên cho trẻ học ngoại ngữ quá sớm. ở mình, các bậc phụ huynh thường có sở thích muốn con mình 5 tuổi nhưng phải biết hơn con nhà hàng xóm, lấy đó làm niềm tự hào, thậm chí là kiêu ngạo. Một bộ phận khác lại mơ ước con mình trở thành người giỏi giang, thành thần đồng, tuy nhiên sự mong ước này lại thành ảo tưởng, đưa con trẻ vào thế khó.

Phụ huynh chạy đua sẽ sinh ra tiêu cực

Hiện nay, những quy định về học đúng tuyến vẫn chưa chặt chẽ, điều này vô tình tạo thành cơ sở cho việc chạy đua giữa các bậc phụ huynh trong việc bất chấp tuyến học, miễn là chọn cho con mình trường tốt, trường điểm, như vậy rất dễ phát sinh tiêu cực. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy ở TP.HCM năm nay kiên quyết bắt buộc tuyển sinh theo đúng tuyến, trẻ con ở đâu thì phải học ở phường đấy, ngoại trừ hai trường chuyên là trường Trần Đại Nghĩa và trường Lê Hồng Phong. Làm được như thế thì thật là hay, chứ để như Hà Nội, các em cứ phải chạy từ nơi này sang nơi khác, chọn trường này trường kia, như thế vừa làm khổ học sinh lại vừa sinh ra tiêu cực.

Có trường hợp tôi biết xin vào lớp 1 hết hơn 2000 USD, chính điều đó sẽ tạo ra tiêu cực ở các trường đó. Như thế trường học sẽ trở thành chợ búa. Tôi nghĩ chúng ta nên theo khoa học, hãy để con em mình phát triển một cách bình thường. Bộ GD&ĐT cũng phải xem chương trình giáo dục ở các trường mầm non, kiên quyết không cho phép học chữ ở cấp học này. Mặt khác, khi vào học tiểu học thì học ít hơn, cho trẻ học vừa sức. Hiện các cháu đang phải học quá nhiều, đặc biệt là sách nâng cao. Nên cho các cháu chơi thể thao, tập luyện, giao tiếp, kỹ năng...chứ đừng ép các cháu học chữ nhiều quá.

Từ thực trạng đó, ông có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh trong việc ép trẻ học quá nhiều?

Thời còn làm bộ trưởng, tôi đã bỏ hết tất cả các bài toán "sao" (bài toán nâng cao) trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học. Tôi cho rằng, ở lứa tuổi đó, các cháu cần được vui chơi, cần thoải mái về tinh thần, chứ không nên nhồi nhét quá nhiều điều vào đầu các cháu. Nếu ép các cháu học quá nhiều dễ gây nên những căn bệnh cho trẻ như trầm cảm, mệt mỏi...rất phản tác dụng. Chung quy lại, các bậc phụ huynh không nên bắt trẻ học quá sớm, học nhiều, vừa tốn công, tốn của lại ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các cháu.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Triều