Không khí những ngày đầu năm học thật háo hức nhưng quanh quẩn đâu đấy vẫn là những nỗi lo không chỉ của học sinh mà còn của phụ huynh. Phụ huynh có con đầu cấp lo chuyện thích nghi, giữa cấp lo chuyện tụt hạng, cuối cấp lại lo chuyện ôn luyện và thi cử. Những âu lo ấy đôi lúc lấn át cả niềm vui, nhất là đối với cha mẹ có con vào lớp 1.
Con gái anh trai tôi năm nay bắt đầu vào tiểu học. Như bao bậc cha mẹ khác anh chị tôi luôn mong cháu học giỏi. Học giỏi thì đương nhiên tốt, rất tốt. Thế nhưng, có môt sự thật phải chấp nhận là không phải đứa trẻ nào cũng có thể học giỏi như kỳ vọng của cha mẹ.
Từ ngày cháu gái tôi lên lớp 1 cả nhà tôi cũng…vào lớp 1. Không khí gia đình tối nào cũng trở nên căng thẳng vì những tiếng đánh vần. Gia đình ba thế hệ từ ông bà nội đến bố mẹ thay nhau dạy con trong “bất lực”.
Trong lớp cháu tôi các bạn đều đã đánh được vần, đọc được chữ vì bố mẹ thường cho đi học thêm lớp gọi là lớp “tiền lớp 1”. Nghiễm nhiên, cháu tôi trở thành đứa trẻ “chậm” so với các bạn. Anh trai tôi bảo cháu sao học mãi mà không biết đánh vần, bà nội lại bảo bạn Bi hàng xóm viết chữ đẹp lắm. Đó là điều nên nói với một đứa trẻ lớp 1 sao?
Chưa nói đến việc nhiều bậc phụ huynh dạy con bằng đòn roi. Đòn roi đôi khi cũng có những tác dụng nhất định nhưng việc gì cũng dùng nó để giải quyết thì sai hoàn toàn. Vài cái phệt vào mông hay vài cái cán chổi sẽ không làm con bạn nhận ra lỗi lầm rồi sửa sai hay học giỏi lên đâu!
Trở lại việc cha mẹ ép con phải học giỏi, ép con phải đọc nhanh, viết đẹp hơn các bạn cùng lớp. Kiến thức phổ thông là kiến thức chung, đứa trẻ bình thường nào rồi cũng sẽ đọc được, viết được. Nhưng có phải tài năng nào cũng bộc lộ ngay từ những ngày đầu con đến lớp không? Các thần đồng toán học, văn học, âm nhạc đều bắt đầu bằng việc viết chữ “a” nhanh hơn bạn cùng lớp hay sao? Thật vô lý!
Mỗi đứa trẻ đều có những sở trường, sở thích, tài năng khác nhau. Điều đó sẽ bộc lộ khi các con được sống trong môi trường tốt và khi các con đủ chín muồi về nhận thức. Bố mẹ không nên ép con, bắt con phải giỏi cái này, cái kia. Thử nghĩ xem, nếu bố mẹ Sơn Tùng bắt con làm kỹ sư xây dựng, bố mẹ Công Phượng, Quang Hải bắt học trường Y thì chẳng phải uổng phí cả một tài năng hay sao?
Việc phát triển sai hướng, sai cách hoặc ép buộc con sẽ làm tổn thương đến tâm lý con trẻ. Thay vì áp đặt và ép buộc con theo những gì cha mẹ muốn, hãy phát hiện và định hướng cho con từ những điều con muốn hoặc từ những điều con làm được. Đừng bắt con thành thiên tài.
Kim Ngân