Dương Minh Long - Ông hoàng ảnh tư liệu, người lưu giữ thời gian

Dương Minh Long - Ông hoàng ảnh tư liệu, người lưu giữ thời gian

Thứ 7, 30/07/2016 | 14:44
0
Anh đề cao tính tư liệu đến mức cực đoan. Anh bảo: Các văn nghệ sỹ là những người lưu giữ ký ức của dân tộc nhưng chẳng có ai lưu giữ hình ảnh của họ cả.

Lời tựa BTV: Cách đây có lẽ hơn 20 năm, tôi đến dự triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tại Cung văn hóa Hữu Nghị Việt - Xô và tôi thực sự ám ảnh. Đó là một triển lãm ảnh nghệ thuật vô cùng độc đáo. Những bức ảnh trong triển lãm đó như trở thành con mắt “thứ ba” cho người xem. Dương Minh Long đã tạo ra điều đó.

Vẫn hình ảnh từ hiện thực ấy nhưng nó hiện lên với những đường nét mà người xem như chưa nhìn thấy bao giờ. Trong mấy chục năm trở lại đây, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long vẫn chụp ảnh nghệ thuật, nhưng ông dành nhiều hơn cho ảnh tư liệu. Ông có một kho ảnh tư liệu khổng lồ do chính mình chụp. Đến bây giờ, cho dù chỉ có thể đánh giá mơ hồ về kho ảnh tư liệu ấy nhưng tôi có thể hình dung ra giá trị khổng lồ của nó.

Tin cũ - Dương Minh Long - Ông hoàng ảnh tư liệu, người lưu giữ thời gian

Chân dung nhiếp ảnh gia Dương Minh Long

TIN CŨ sẽ từng bước dựng lại một phần đời sống của con người Việt Nam mấy chục năm qua bằng những bức ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long. TIN CŨ xin bày tỏ lòng biết ơn đối với nhiếp ảnh gia Dương Minh Long khi ông cho phép TIN CŨ được sử dụng những bức ảnh của ông.

TIN CŨ xin trân trọng giới thiệu bài viết của họa sỹ Lê Thiết Cương về nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, đồng thời giới thiệu hai bức ảnh đầu tiên của ông về hai nghệ sỹ lớn của âm nhạc Việt Nam: nhạc sỹ Văn Cao và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Người lưu giữ thời gian

Dương Minh Long làm nghề chụp ảnh. Mang tiếng là bạn nhưng xuân thu nhị kỳ mới gặp nhau. Mỗi lần gọi điện cho anh, tôi đều phải hỏi: “Đang ở đâu đấy?” Sở dĩ phải dài dòng như thế vì anh không ở nhà đã đành, mà cũng chả ở đâu cả. Là nhiếp ảnh nhưng chính xác thì phải gọi anh là nhà nhiếp ảnh chân dung con người và phong cảnh. Thỉnh thoảng cũng thấy anh có chụp thể loại khác, tưởng là anh chuyển tông hoá ra không phải. Anh mắt nhắm mắt mở, cười cười bảo: “Vị nhân sinh một tí thôi.”

Tôi rất ngạc nhiên sao sức làm việc của anh lại ghê gớm đến vậy, sao anh lại có thể chụp nhiều như vậy, hầu hết các văn nghệ sỹ trong Nam ngoài Bắc từ già đến trẻ đều trong tầm ngắm của Long. Quan niệm về nhiếp ảnh của anh khác với số đông các tay máy hiện thời. Anh đề cao tính tư liệu đến mức cực đoan. Anh bảo: Các văn nghệ sỹ là những người lưu giữ ký ức của dân tộc nhưng chẳng có ai lưu giữ hình ảnh của họ cả.

Tin cũ - Dương Minh Long - Ông hoàng ảnh tư liệu, người lưu giữ thời gian (Hình 2).

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đang châm thuốc cho nhạc sỹ Văn Cao (ảnh chụp tại nhà riêng Trịnh Công Sơn tại 47c, Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn tháng 7/1997 nhân chuyến thăm Miền Nam của nhạc sỹ và gia đình).

Long là người đi nhiều, chụp nhiều, nay đây mai đó, “giang hồ khát gió”, lúc thì thành phố, lúc thì đồng bằng, nay nước ngoài mai “nước trong”, lúc thì không ảnh (nhận chụp các dự án địa ốc, thăm dò dầu khí bằng trực thăng), lúc lại mặc quần áo người nhái chụp sinh vật dưới đáy biển, lúc thì biển đảo, lúc lại leo lên tận chốn cao sơn lưu thủy…

Long quan hệ rộng các ngành, các giới. Long chịu khó đọc, điều nghiên kỹ lưỡng vùng miền, nhân vật mà mình định chụp. Long là người hiểu rất sâu về các loại, các thương hiệu, đời máy ảnh, ống kính, chân máy và rất chịu khó mua sắm, đổi trác máy ảnh. Đã thế trời còn cho Long trí nhớ gần bằng từ điển cho nên chú thích ảnh của Long là một phần không thể tách rời với ảnh của anh, rất công phu, chi tiết, chuyên nghiệp.

Tin cũ - Dương Minh Long - Ông hoàng ảnh tư liệu, người lưu giữ thời gian (Hình 3).

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đang giới thiệu với nhạc sỹ Văn Cao máy tập thể dục tại phòng ngủ riêng của nhạc sỹ (ảnh chụp tháng 7/1993 tại lầu 1 nhà 47c, Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn).

Trên hết, chính vì chụp nhiều nên Long đồng thời là người quản lý tư liệu, ghi chép giấy tờ sổ sách, film to, film bé, film dương bản, film âm bản, file số đâu vào đấy. Long còn là người có đầu óc tổ chức, sắp đặt, sắp xếp, công việc to nhỏ, phải trái, trước sau không nhiếp ảnh gia nào ở Việt Nam bằng anh.

Lê Thiết Cương

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long

Sinh ngày 8/1/1962 tại 29 phố Hàn Thuyên, Hà Nội.

Bắt đầu cầm máy từ năm 13 tuổi.

Từ năm 1990 đến nay tập trung thể loại ảnh tài liệu.

Hiện kho phim lưu trữ do anh thực hiện chụp 44 năm qua có trên 300 hạng mục với số lượng phim chụp lên tới hơn 400.000 kiểu phim các kích thước khác nhau (24x36mm, 4x6cm, 6x6cm, 6x7cm, 6x9cm, 6x12cm, 4x5).

Đã thực hiện trên 1500 nhân vật Việt Nam, các di sản văn hoá, làng nghề, vùng sông hồ thiên nhiên, đời sống đô thị khắp 3 miền.