Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã cho biết các quy định giới hạn nghiêm ngặt đối với việc vay nợ và chi tiêu công có thể bị đình chỉ thêm một năm nữa, nhằm giúp các quốc gia thành viên đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Các quy định về nợ của EU hạn chế thâm hụt của các nước thành viên vượt quá 3% và giới hạn tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 60%.
Trước đó, các quy tắc tài khóa nghiêm ngặt của EU đã tạm thời được nới lỏng vào tháng 3/2020 để đối phó với đại dịch Covid-19, cho phép nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Theo kế hoạch, các quy tắc sẽ được khôi phục vào đầu năm sau.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt, gây căng thẳng cho nền kinh tế châu Âu mới chỉ hồi phục sau hai năm đại dịch bùng phát.
Liên minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và năng lượng đối với Moscow. Điều đó cũng khiến họ đang phải đối mặt với thách thức kép: vừa phải giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga- vốn là nhà cung cấp năng lượng chính, vừa phải bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động của sự tăng giá đột biến.
Việc trì hoãn khôi phục các quy tắc tài khóa thêm một năm được đề xuất vào hôm 23/5 bởi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của khối EU, dự kiến sẽ được chính phủ các quốc gia nhanh chóng xem xét.
Ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính của EU, chia sẻ với các phóng viên: “Liên minh vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng". Ông cho rằng việc gia hạn sẽ giúp "chính sách tài khóa quốc gia phản ứng nhanh chóng vào những thời điểm khó lường này”.
Xung đột Ukraine đang làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế ở châu Âu. Theo dự báo mới nhất của EC, tăng trưởng kinh tế tại khu vực đồng Euro (Eurozone) vào năm 2022 dự báo sẽ ở mức 2,7%, giảm mạnh so với ước tính tăng trưởng 4% được đưa ra trước khi cuộc xung đột Ukraine bùng phát.
Phạm Hà Thanh (theo Nytimes, Euobserver)