Tính đến chiều ngày 20/6, sau 10 ngày từ thời điểm chiếu sớm và 3 ngày công chiếu, Em và Trịnh cán mốc doanh thu 66 tỷ, một con số ấn tượng thời kỳ hậu Covid-19 và xăng tăng phi mã. Trên các nền tảng mảng xã hội, bộ phim cũng tạo nên hiệu ứng khủng khiếp. Trailer của phim vào top 1 thịnh hành mục phim ảnh của YouTube trong tuần ra mắt. Ở nền tảng TikTok, hashtag #EmvaTrinh đang có hơn 262 triệu view với nhiều nội dung đa dạng của giới trẻ làm về phim, song song đó hashtag #TikTokvaTrinh cũng thu hút hơn 70,6 triệu view.
Nhưng, ngoài những con số, Em và Trịnh đem lại điều gì? Tranh cãi!
Ngoài điểm sáng về bối cảnh và âm nhạc, bộ phim khiến người xem hụt hẫng vì hình tượng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
“Em và Trịnh giống như một MV ca nhạc bị cắt ghép nham nhở, thất bại trong mọi mục tiêu mà nó hướng đến. Chẳng hề mang đến câu chuyện lãng mạn và cũng không miêu tả được chân dung hay âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thậm chí phim còn giống đang bêu xấu vị nhạc sĩ tài danh này”, một khán giả bình luận.
Một khán giả khác đưa ra quan điểm: “Em và Trịnh như một danh sách liệt kê những người tình, cuộc tình dang dở của người nhạc sỹ tài hoa. Và không có một câu chuyện tình nào được tái hiện trong đó mang lại cảm xúc cho mình. Là bản liệt kê nên phim khiến người xem cảm thấy chóng vánh và chưng hửng”.
Những phản ứng trái chiều như vậy vô hình trung cho thấy Em và Trịnh chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tái dựng hình ảnh tài hoa của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Đồng ý rằng phim là hư cấu, mỗi khán giả có một cảm nhận riêng về bộ phim, hình dung riêng về Trịnh, nhưng mẫu số chung để nhạc Trịnh lẫn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có sức sống mãnh liệt trong lòng người hâm mộ là chất Thơ và Thiền.
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”, nhạc sỹ quan niệm.
Tuệ giác trong nhạc Trịnh đưa người nghe đến rất gần quan niệm về sự hư ảo của nhân sinh và những nỗi đau khổ bất tuyệt của phận người. Ngay cả tiếng đại bác biểu trưng cho chết chóc và sự tàn khốc cũng vang lên trong nhạc trịnh như tiếng kinh cầu: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường/ Dừng chổi đứng nghe/ Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng/ Đại bác như kinh không mang lời nguyện/ Trẻ thơ quên sống/ Từng đêm nghe ngóng... Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng/ Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/ Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương” (Đại bác ru đêm).
Cả nhân vật Trịnh thời trẻ lẫn trung niên đều không toát lên được chất thơ và thiền ấy ở Trịnh nhạc sỹ.
Ấn tượng mạnh nhất về nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim là kẻ đa tình, dễ yêu và dễ quên, trong khi sự rung cảm lại chưa tới. Trịnh vừa si mê Diễm đó đã quay sang lặng người vì Dao Ánh. Trịnh đang yêu Dao Ánh đó đã đứng ôm “rất hư cấu” Khánh Ly bên ánh lửa bập bùng.
Như tên gọi, Em và Trịnh kể lại chuyện đời của Trịnh Công Sơn bằng những bóng hồng đi qua đời ông. Đây là chủ đề hấp dẫn và ăn khách, nhưng việc khắc họa nhạc sỹ tài hoa này trong phim lại bị đánh giá quá ôm đồm dẫn đến thiếu chiều sâu và gây thất vọng.
Và như chính danh ca Khánh Ly chia sẻ: "Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu. Tôi nghe nói phim quay đẹp, nhạc hay nhưng cũng có nhiều ý kiến chê. Mọi người xem một phim hư cấu thì phải chấp nhận thôi".
Bên cạnh bộ phim Em và Trịnh, một trong những đề tài giải trí được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua là chuyện Quang Hải xuất ngoại.
Hải chia tay CLB Hà Nội tính đến nay đã hơn 2 tháng. Từ đó đến nay, không biết vô tình hay hữu ý, ê-kíp của tiền vệ này đã đưa người hâm mộ thực hiện một chuyến du hành châu Âu bất đắc dĩ. Từ Áo sang Bỉ, và bây giờ là Pháp. Từ Sturm Graz, LASK đến Nimes, những cái tên sao quá lạ lùng.
Tương tự Em và Trịnh, tương lai của ngôi sao bóng đá hàng đầu Việt Nam là đề tài quá ư hấp dẫn để cánh truyền thông khai thác. Tuy nhiên, miếng bánh Quang Hải xuất ngoại đang bị bẻ vụn một cách thái quá, khi những thông tin chỉ được rò rỉ một cách nhỏ giọt và nước đôi. Việc này liệu có cần thiết cho tương lai của một trong những tài năng sáng giá nhất của bóng đá nước nhà. Và câu hỏi đặt ra, ai được lợi nhất trong miếng bánh truyền thông khổng lồ bị bẻ vụn này?!
Hãy quay lại với những cầu thủ chung người đại diện với Quang Hải. Đầu tiên là thủ thành Bùi Tiến Dũng. Sau cổ tích Thường Châu, dấu ấn lớn nhất người hùng này để lại là… bảng báo giá tham dự sự kiện truyền thông. Về mặt chuyên môn, sự nghiệp của Bùi Tiến Dũng ngày càng sa sút và ở tuổi 25, thủ thành này được biết đến với vai trò người mẫu nhiều hơn là một cầu thủ.
Tiếp đến là Đoàn Văn Hậu. Cầu thủ trẻ nhất từng khoác áo đội tuyển Việt Nam này gần như mất hút trong vòng 2 năm trở lại đây. Bước ngoặt đến từ chuyến xuất ngoại. Tháng 9/2019, Văn Hậu ra mắt SC Heerenveen, đội bóng chơi tại giải VĐQG Hà Lan, với bản hợp đồng cho mượn kéo dài 1 năm, với giá trị chuyển nhượng vào khoảng 1,5 triệu euro (khoảng 38,3 tỷ đồng). Mức lương tối thiểu trước thuế mà Đoàn Văn Hậu nhận được vào khoảng 11 tỷ đồng/năm, qua đó trở thành cầu thủ được hưởng mức lương cao nhất Việt Nam và cũng là cầu thủ Việt Nam đắt giá nhất từ trước đến nay. Những con số cũng ấn tượng như doanh thu Em và Trịnh.
Nhưng trong quãng thời gian khoác áo Heerenveen, Văn Hậu chủ yếu khoác áo đội trẻ và chỉ có 4 phút chơi cho đội một. Dấu ấn lớn nhất cầu thủ sinh năm 1999 này để lại trên xứ sở hoa tulip có lẽ là đôi ba clip review xe và cuộc sống của một “du học sinh”. Anh trở về với những chấn thương, váng mặt từ vòng loại World Cup 2022, AFF Cup đến SEA Games 31 và cũng không đóng góp gì nhiều cho đội bóng chủ quản Hà Nội.
Từ một tài năng 21 tuổi đầy hứa hẹn, ở tuổi 23, Văn Hậu trở thành “thương phế binh” với 2 năm gần như không thi đấu. Thay vì chủ quan duy ý chí, cần biết rằng hậu vệ này vừa bỏ lỡ giai đoạn vàng để phát triển trình độ và đánh đổi bằng một chuyến xuất ngoại sặc mùi tiền.
Dĩ nhiên, “làm kinh tế” là nhu cầu thiết yếu song làm sao để phát triển sự nghiệp lâu dài mới là chuyện thiết yếu hơn.
Trở lại với câu chuyện xuất ngoại của Quang Hải, ma trận bến đỗ mới của tiền vệ này được tung ra một cách hời hợt như những bóng hồng được khắc họa trong Em và Trịnh. Hiệu ứng tuy lớn đó nhưng hại nhiều hơn lợi.
Với vị thế tài năng hiếm có của bóng đá nước nhà, áp lực xuất ngoại của Hải vốn đã vô cùng khủng khiếp. Không những vậy, cách dền dứ tương lai càng gây thêm áp lực, thậm chí vô hình trung tạo thành nghĩa vụ.
Nếu Quang Hải thất bại thì sao? Hiệu ứng và hệ lụy sẽ như thế nào?
Về vấn đề chuyên môn, lý do Hải xuất ngoại là nâng cao trình độ và vươn tới những nấc thang mới trong sự nghiệp. Hoàn toàn hợp lý và chính đáng. Song, châu Âu liệu rằng là bến đỗ thích hợp?
Cho dù mọi so sánh đều khập khiễng nhưng về hình thể lẫn vị trí thi đấu, Quang Hải gặp nhiều bất lợi hơn so với Văn Hậu khi “tây tiến”. Hải nhỏ con, lại chuyên giữ vai trò lĩnh xướng hàng công ở CLB Hà Nội lẫn đội tuyển Việt Nam. Bất kể CLB châu Âu nào, cho dù trình độ ra sao, cũng khó tạo điều kiện để tiền vệ này chơi ở vị trí chia bài như thế.
Rồi đây, giới mộ điệu sẽ lại được chứng kiến những “clip viral” về cuộc sống của Hải, xe Hải đi, giày Hải mang, áo quần Hải mặc, nhưng màn trình diễn trên sân cỏ ra sao thì chưa ai dám chắc.
Bởi vậy, hoàn toàn có cơ sở khi hoài nghi cơ hội ra sân đều đặn của tiền vệ 25 tuổi này tại đội bóng mới. Nếu bi kịch Văn Hậu lặp lại, không chỉ Quang Hải chịu hậu quả mà nền bóng đá nước nhà cũng tổn thất một tài năng lớn.
Nhắc lại lời tự sự của Trịnh nhạc sỹ: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Thân phận giúp Hải thu về nhiều thành công, nhưng thân phận là hữu hạn, tình yêu hay đam mê mới vô cùng. Tình yêu bóng đá đã đem lại cho Hải nhiều cơ hội và anh cần nuôi dưỡng tình yêu ấy sao cho hợp lý để vươn tới những đỉnh cao mới trong sự nghiệp!