Nhiều nước thành viên EU vẫn đang tích cực nhập khẩu khí hóa lỏng từ Nga.
Là một cường quốc về nhiên liệu hóa thạch, Nga mất khả năng xuất khẩu than sang Liên minh châu Âu (EU) và sẽ sớm mất 90% nguồn thu từ việc bán dầu cho khối, theo Guardian.
EU cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hàng trăm loại hàng hóa sang Nga, từ các thiết bị quân sự công nghệ cao, chất bán dẫn có thể dùng trong vũ khí dẫn đường chính xác cho đến đồ dùng hàng ngày và quần áo.
EU đã đóng băng khối tài sản 300 tỷ USD của Nga và công dân Nga, áp đặt lệnh cấm đi lại với 1.239 người Nga, bao gồm các quan chức cấp cao. Lệnh trừng phạt có tác động đến các ngân hàng, nhà sản xuất vũ khí Nga và hơn 100 công ty khác
Nhưng sau 8 vòng trừng phạt, triển vọng về khả năng EU soạn thảo thêm gói trừng phạt mới đang ngày càng giảm. "Chúng tôi đã áp đặt quá nhiều lệnh trừng phạt và không còn nhiều lựa chọn để áp đặt thêm", một quan chức EU giấu tên nói. "Đó là thực tế".
Các quốc gia ủng hộ Ukraine vẫn đề xuất một loạt các lệnh trừng phạt mới. "Các lệnh trừng phạt đang hoạt động nhưng đáng tiếc là chưa đạt kết quả như mong đợi", Tổng thống Lithuania, Gitanas Nausėda phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần trước. "Tôi nghĩ chúng ta có khả năng cao cải thiện hơn nữa lệnh trừng phạt và siết chặt các quy định".
Ba Lan và các nước vùng Baltic đề xuất một số biện pháp trừng phạt bổ sung như cấm nhập khẩu khí hóa lỏng từ Nga và chấm dứt hợp tác với Nga về năng lượng hạt nhân. Các quốc gia này cũng muốn lấp lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt trước bằng cách cấm máy bay không người lái dân dụng, điện thoại thông minh và tiến tới chấm dứt buôn bán một số kim loại với Nga. Nhóm thậm chí còn muốn cấm bán tủ lạnh trữ rượu chuyên dụng cho Nga, loại xa xỉ phẩm không nằm trong các danh sách trừng phạt trước đó.
Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ các ý tưởng mở rộng trừng phạt, trong khi các nước trung tâm của châu Âu như Đức, Pháp và Bỉ lại tỏ ra thận trọng. Berlin cho rằng, còn rất ít phương án trừng phạt có thể thực hiện, dù quan chức nước này không phản đối các lệnh trừng phạt mới.
Các nước thành viên EU hiện vẫn chưa thể thống nhất về một lệnh trừng phạt nhằm vào ngành sản xuất kim cương Nga.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho rằng, một số biện pháp trừng phạt được đề xuất có nguy cơ gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là Nga. "Nếu ta gây tổn hại cho nền kinh tế của chính chúng ta, tạo cơ hội để phe cực hữu lên nắm quyền, thì Nga sẽ thắng", nhà ngoại giao này nói.
Có quan điểm nói rằng những biện pháp dễ dàng nhất đều đã được EU áp dụng và các bước đi tiếp theo nếu có cũng sẽ chỉ mang tính biểu tượng, thay vì đóng vai trò như đòn trừng phạt lớn nhằm vào nền kinh tế Nga.
Mở rộng các lệnh trừng phạt Nga cũng tạo ra rủi ro với sự thống nhất của EU. Đây là lý do EU đến nay vẫn áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Nga.
Do đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu gặp trục trặc, nhiều nước EU đã âm thầm tăng nhập LNG của Nga.
Trước cuộc xung đột, Nga là nhà cung cấp LNG đứng thứ tư trên thế giới. Năm nay, 78% lượng LNG mà Nga xuất khẩu được vận chuyển tới các quốc gia trừng phạt Nga.
Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan là các quốc gia có lượng LNG nhập khẩu tăng vọt trong năm 2022. Pháp từng chỉ trích Mỹ khi bán LNG cho châu Âu với giá cao gấp 4 lần giá bán trong nước.
Novatek, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Nga là công ty tư nhân và do đó lĩnh vực này tạm thời chưa bị các nhà lãnh đạo EU nhắm trừng phạt.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến nỗ lực của EU nhằm trừng phạt Nga là mặt hàng kim cương. Kim cương Nga xuất khẩu sang EU đã nhiều lần được miễn trừ trừng phạt do khối này không đạt được sự đồng thuận cao từ các nước thành viên. Trước cuộc xung đột, Bỉ là điểm đến hàng đầu của kim cương Nga với giá trị nhập khẩu lên đến hơn 2 tỷ USD.
Tháng trước, EU đề xuất đưa công ty kim cương nhà nước Nga Alrosa vào danh sách trừng phạt. Nhưng trước sự tranh cãi của các nước thành viên, công ty này cuối cùng không bị nêu tên trong danh sách.
Đăng Nguyễn - Guardian