Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha cảnh báo rằng chi phí năng lượng tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và làm tổn thương các hộ gia đình.
Bà cũng nhắc lại lời kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) hành động mạnh mẽ hơn để hạn chế đà tăng không có dấu hiệu giảm bớt của giá năng lượng.
Nadia Calvino, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, cho biết việc giảm thuế để bù đắp cho việc hóa đơn năng lượng tăng cao “không phải là một giải pháp lâu dài”.
Các tổ chức của EU nên giải quyết trực tiếp giá bán buôn để đối đầu với thị trường điện đang gặp trục trặc, bà nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng Tây Ban Nha cũng đang thúc đẩy các thỏa thuận mua khí đốt tập trung.
“Tôi khá lo ngại về việc tăng giá năng lượng vì đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy mặt bằng giá chung và nó cũng có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp của chúng tôi”, Calvino cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
"Tôi thực sự hy vọng rằng sẽ có hành động rõ ràng hoặc hành động mang tính quyết định hơn trong nửa đầu năm 2022".
Tình trạng nguồn cung năng lượng bị siết chặt đang đe dọa sự phục hồi sau đại dịch của châu Âu khi chi phí sinh hoạt đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một thế hệ, đẩy lạm phát lên mức cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời, và làm xói mòn sức mua của người tiêu. Giá khí đốt bán buôn đã tăng gần 300% trong năm qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh rằng hành động về giá không nên đi từ việc Ngân hàng Trung ương châu Âu loại bỏ các gói kích thích kinh tế trước thời hạn, một động thái mà bà cảnh báo có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi.
“Tôi tin chắc rằng chúng ta nên tránh rút lại các biện pháp hỗ trợ trước thời hạn để không mắc phải sai lầm tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính trước đó”, Calvino cho biết.
Lạm phát tháng 12/2021 đạt mức cao mới trong 30 năm ở Tây Ban Nha – quốc gia thành viên khu vực đồng Euro. Theo Calvino, điều đó được cho là sẽ giảm bớt trong những tháng tới khi các tác động cơ bản biến mất và chuỗi cung ứng bình thường hóa sau cú sốc do đại dịch gây ra.
Không giống như ở Mỹ, sự tăng giá ở châu Âu chưa ảnh hưởng đến tiền lương do kỳ vọng lạm phát thấp hơn và thị trường lao động suy thoái rộng hơn, khiến nhu cầu về hỗ trợ tiếp tục cho nền kinh tế càng trở nên quan trọng hơn, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha cho biết.
“Vẫn còn những điều không chắc chắn xung quanh chúng ta”, bà nhận định. “Ưu tiên hàng đầu của chúng ta lúc này nên là hỗ trợ phục hồi kinh tế và tạo việc làm”.
Lạm phát ở khu vực đồng Euro (Eurozone) đã tăng lên 5% vào tháng trước, mức cao nhất được ghi nhận đối với khối tiền tệ gồm 19 quốc gia thành viên và gấp hơn 2 lần mức mục tiêu (2%), do chi phí năng lượng tăng cao và hạn chế về nguồn cung đã đẩy giá một loạt hàng hóa và dịch vụ lên cao.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ lâu đã lập luận rằng tăng trưởng giá sẽ tự giảm. Đồng thời, Chủ tịch Christine Lagarde cũng cho biết ECB có thể điều chỉnh chính sách nếu cần.
Lagarde nói, "Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn".
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)