EU có tính toán mới, quyết không để biện pháp trần giá dầu Nga bị vô hiệu hóa

Thứ 7, 12/07/2025 05:50

EU vừa đề xuất một sự thay đổi lớn đối với cơ chế trần giá dầu Nga nhằm duy trì hiệu quả của biện pháp này trong bối cảnh mới.

Cơ chế trần giá hiện tại ở mức 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ được thay thế bằng một cơ chế mới theo hình thức "thả nổi", theo dự thảo kế hoạch mới được Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – công bố hôm 10/7.

Theo đề xuất mới, cơ chế trần giá "thả nổi" sẽ cho phép điều chỉnh mức trần giá tự động dựa trên biến động của giá dầu thế giới, thay vì cố định ở một mức giá cụ thể.

Hiện vẫn chưa rõ mức trần mới sẽ là bao nhiêu, nhưng mức khởi điểm có thể sẽ cao hơn 45 USD/thùng một chút.

Điều này nhằm đảm bảo trần giá luôn thấp hơn giá thị trường, từ đó duy trì áp lực kinh tế lên Nga mà không làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.

Đề xuất này cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn so với mức trần giá "tĩnh" mà EU và G7 áp dụng đối với dầu Nga kể từ tháng 12/2022 nhằm giành lại quyền kiểm soát công cụ trừng phạt vốn đã mất tác dụng khi thị trường dầu mỏ lao dốc.

EU có tính toán mới, quyết không để biện pháp trần giá dầu Nga bị vô hiệu hóa - Ảnh 1.

Tàu chở dầu neo đậu ở vùng biển ngoài khơi Port-de-Bouc, Pháp. Ảnh: Bloomberg

Cơ chế "thả nổi" được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề mà mức trần cố định 60 USD/thùng đang gặp phải, khi giá dầu toàn cầu giảm đã khiến biện pháp này trở nên "vô nghĩa".

Ví dụ, giá dầu Brent đã giảm xuống mức khoảng 67 USD/thùng vào tháng trước, và giá dầu Urals của Nga thậm chí còn thấp hơn, giao dịch với mức chiết khấu khoảng 10 USD/thùng so với chuẩn dầu Brent.

"Mức giá trần cố định đã bị các điều kiện thị trường vượt qua", một nhà ngoại giao EU nói với Reuters. "Chúng tôi cần một công cụ thích ứng với sự thay đổi giá và giữ cho doanh thu được kiểm soát".

Kế hoạch về trần giá "thả nổi" là một phần của gói trừng phạt thứ 18 của EU, dự kiến sẽ được thảo luận vào cuối tháng này. Nó sẽ cần sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên để được thông qua.

Các nhà phân tích năng lượng cho rằng động thái này có thể làm phức tạp thêm kế hoạch xuất khẩu và khả năng tiếp cận bảo hiểm của Nga, mặc dù nước này đang tận dụng một "hạm đội bóng tối" bao gồm các tàu chở dầu cũ kỹ để "né" hạn chế của phương Tây.

Moscow chưa chính thức phản hồi trước cơ chế EU mới đề xuất, nhưng trước đó đã bác bỏ cơ chế giá trần là không hiệu quả.

Có thể nói, đề xuất cơ chế trần giá "thả nổi" của EU là một bước đi chiến lược nhằm duy trì áp lực kinh tế lên Nga, đồng thời thích ứng với sự biến động của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tuy nhiên, để thành công, EU cần vượt qua sự phản đối từ một số quốc gia thành viên nhất định và phối hợp hiệu quả hơn với các đối tác G7.

Hiện, Mỹ – thành viên hàng đầu của G7 – đang phản đối việc hạ thấp mức trần giá dầu Nga, trong khi một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Slovakia và Hungary, trước nay vẫn phản đối việc thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga.

Minh Đức (Theo Oil Price, Reuters)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.