Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 10/2 đã ra thông báo trên sau cuộc họp không chính thức của các Bộ trưởng Y tế EU tại thành phố Grenoble (Pháp).
Pháp - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm nay- đang tìm cách tăng cường hơn nữa sự hợp tác y tế giữa các nước thành viên vốn đã được hình thành trong nỗ lực ứng phó với đại dịch 2 năm qua, nhất là thông qua hoạt động mua và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Pháp nêu rõ: "Tôi tin rằng EU có thể trở thành khu vực đứng đầu thế giới về y tế công cộng nếu khối này vượt qua được những cân nhắc “mâu thuẫn” giữa thị trường và hệ thống y tế công cộng".
Ông Veran cho biết, việc mua chung các sản phẩm y tế và cùng ứng phó với các bệnh hiếm gặp nếu được thực hiện theo một cấp độ chung của châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích do lợi thế kinh tế về quy mô.
Theo ông Veran, Tuyên bố Grenoble sẽ đặt nền tảng cho việc thành lập một liên minh y tế ở châu Âu đồng thời bày tỏ hy vọng tuyên bố này sẽ được ký trong vài ngày tới.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách về y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho biết, 70% dân số châu Âu đã tiêm chủng và hơn 45% đã tiêm mũi vắc-xin tăng cường, song bà cho rằng việc tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn phải được tiếp tục. Bà nhấn mạnh, EU cũng phải chuẩn bị ứng phó với giai đoạn tiếp theo của dịch Covid-19 với khả năng xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2
Cả ông Veran và bà Kyriakides nhấn mạnh rằng Liên minh y tế châu Âu không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân châu Âu mà còn bảo vệ cả kinh tế và xã hội của khối này.
Theo kế hoạch, các cuộc thảo luận chuyên sâu về vấn đề này sẽ diễn ra với sự tham gia của một hội đồng khoa học trong giai đoạn Pháp làm Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2022.
Thực tế, thông tin về việc thành lập Liên minh y tế châu Âu đã được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra từ cuối năm 2020 cùng với bản kế hoạch chi tiết.
Theo Le Monde, các đề xuất của EC tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý hiện hành về các mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới đối với sức khỏe người dân, cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với khủng hoảng của các cơ quan chủ chốt của EU, chẳng hạn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA).
Theo Ủy viên phụ trách vấn đề y tế của EU Stella Kyriakides, trong khuôn khổ này, một hệ thống giám sát hiện đại và thông minh sẽ được tạo ra ở cấp độ EU, và các nước thành viên EU sẽ được yêu cầu đẩy mạnh việc cung cấp các dữ liệu y tế công cộng. Ngoài ra, khối này sẽ được ban bố tình trạng khẩn cấp ở cấp độ EU, kích hoạt các cơ chế ứng phó như kho dự trữ và mua sắm chung.
Cũng trong khuôn khổ các đề xuất mới, ECDC sẽ có khả năng huy động và triển khai lực lượng y tế đặc trách để hỗ trợ các quốc gia EU và giúp xây dựng một mạng lưới các phòng thí nghiệm của EU. Trong khi đó, EMA sẽ có thể giám sát, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp y tế quan trọng và phối hợp các nghiên cứu để giám sát tính hiệu quả, sự an toàn của các vắc-xin.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Quân đội nhân dân)