Người Serbia tại Kosovo biểu tình phản đối kế hoạch đổi biển số xe của chính quyền Kosovo ngày 6/11. Ảnh: AP
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell ngày 21/11 đã mời Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và lãnh đạo chính quyền Kosovo Albin Kurti tới Brussels, Bỉ, để tham gia đàm phán khẩn cấp, xoa dịu căng thẳng.
Phát biểu sau cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng, ông Borrell cho biết, tuy phải có trách nhiệm "khẩn trương hạ nhiệt căng thẳng" nhưng 2 phía đều thể hiện "hành vi thiếu tính xây dựng" và thiếu tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Serbia và Kosovo.
"Đặc biệt là Kosovo. Điều này cho thấy một tín hiệu chính trị rất tiêu cực", ông Borrell bình luận. "Thật không may, cuộc đàm phán này đã không tìm ra bất cứ giải pháp nào để xoa dịu căng thẳng".
Sau cuộc đàm phán thất bại ở Brussels, tình hình ở Kosovo và vùng Metohija (tây nam Kosovo) đang rất căng thẳng và trên bờ vực giao tranh, theo Tổng thống Serbia Vucic.
"Tình hình ở Kosovo lúc này rất căng thẳng và trên bờ vực đối đầu. Tôi kêu gọi cộng đồng phương Tây sử dụng tầm ảnh hưởng của họ ở Kosovo để giúp gìn giữ hòa bình", ông Vucic nói trong một bài phát biểu toàn quốc.
"Serbia cam kết duy trì hòa bình. Tôi sẽ nói với người dân ở Kosovo và Metohija rằng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo an ninh cho họ", Tổng thống Serbia nói thêm.
Đối thoại Belgrade-Pristina do EU khởi xướng, nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo, gần như bế tắc trong nhiều năm.
EU tuần trước cảnh báo, Serbia và Kosovo đang ở bên bờ vực thẳm và phải giải quyết tranh chấp nếu không muốn lịch sử xung đột lặp lại. Ông Borrell cho biết cần phải có giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trước ngày 29/11 để tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Căng thẳng âm ỉ từ lâu giữa Serbia và Kosovo (tỉnh ly khai có nhiều người Albania sinh sống ở Serbia) gia tăng trong vài tuần gần đây do kế hoạch gây tranh cãi của Kosovo nhằm loại bỏ dần biển số xe do Serbia cấp.
Theo kế hoạch này, khoảng 10.000 tài xế trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng khi biển số xe Serbia của họ phải thay bằng biển số do Kosovo cấp, tính đến ngày 21/4 năm sau.
Những tài xế không tuân thủ ban đầu sẽ bị cảnh cáo. Nếu tái phạm, họ sẽ phải nộp phạt 155 USD (khoảng 3,8 triệu đồng). Tới lần thứ 3, họ sẽ bị tịch thu phương tiện.
Hồi tháng 7, một nỗ lực triển khai kế hoạch này của Kosovo đã làm nổ ra xung đột giữa 2 phía. Đêm 31/7, những người biểu tình - chủ yếu là người Serbia ở Kosovo - đã đỗ xe tải chở đầy sỏi và một số phương tiện cỡ lớn khác chặn các ngả đường dẫn đến 2 cửa khẩu Jarinje và Bernjak, thuộc phía bắc Kosovo, nơi chủ yếu là người Serbia sinh sống. Cảnh sát Kosovo cho biết, họ buộc phải đóng 2 cửa khẩu biên giới này.
Serbia và Kosovo thoát khỏi "khủng hoảng" trong lần đó nhờ một thỏa thuận tạm thời đạt được với sự hỗ trợ ngoại giao của châu Âu và Mỹ.
Nguyễn Thái - AP, TASS