Cơ quan mới, sẽ được gọi là Cơ quan Ứng phó và Chuẩn bị Khẩn cấp Y tế Châu Âu (HERA), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, và tài chính cho cơ quan này có thể lên tới 50 tỷ euro sau khi các khoản đầu tư tiếp theo được tính vào.
Theo Ủy viên Y tế và An toàn Thực phẩm, Stella Kyriakides, đây là một phần của nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về khả năng của EU trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng y tế tiếp theo.
Cơ quan này sẽ phát hiện các cuộc khủng hoảng sức khỏe và các mối đe dọa tiềm ẩn khác đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách thu thập thông tin và phát triển các dự báo.
“HERA là một cơ quan quan trọng trong Liên minh Y tế Châu Âu vững mạnh. Thông qua HERA, chúng ta sẽ có thể dự đoán các mối đe dọa, phối hợp hành động của các quốc gia thành viên để ứng phó kịp thời với các trường hợp khẩn cấp về y tế thông qua việc phát triển, mua sắm và phân bổ các biện pháp đối phó y tế quan trọng ở cấp độ liên minh", Kyriakides nói với các phóng viên hôm 16/9.
"Đó là một cấu trúc an ninh y tế độc đáo cho phép chúng ta đi trước đón đầu. An ninh y tế đang trở thành nỗ lực tập thể ở EU. Sau gần hai năm xảy ra đại dịch tàn khốc, HERA là biểu tượng của sự thay đổi tư duy về chính sách y tế mà tất cả chúng ta nên đứng sau ủng hộ - đó là khi chúng ta hành động cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn và có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho an ninh sức khỏe của công dân của chúng ta".
HERA cũng sẽ chịu trách nhiệm xây dựng năng lực và đảm bảo cung cấp thuốc, vắc-xin hoặc thiết bị y tế khác trong các trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới trong lĩnh vực y tế, đồng thời sẽ phối hợp với ngành dược phẩm để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Theo kế hoạch, HERA sẽ đi chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, với ngân sách 6 tỷ euro trích từ ngân sách EU cho giai đoạn 2022-2027.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã hứa thành lập một cơ quan EU để ngăn chặn khủng hoảng sức khỏe trong một bài phát biểu hồi tháng Chín năm ngoái với những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong những tháng đầu tiên đại dịch hoành hành, các nước EU đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị y tế cần thiết, bao gồm khẩu trang, găng tay, máy thở và một số loại thuốc.
Minh Đức