EU công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào Nga trong ngày 24/2. Ảnh minh họa: AP
Theo đài RT, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua vòng trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga trong ngày 24/2 - ngày kỷ niệm mốc 1 năm Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt trong vòng trừng phạt thứ 10 bao gồm hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn với các mặt hàng và công nghệ sử dụng cho mục đích quân-dân sự, cũng như "các biện pháp chống lại thông tin sai lệch từ Nga", theo một thông báo của Thụy Điển - nước hiện là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu.
Khối này cũng đồng ý áp đặt các biện pháp hạn chế mới với các cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ hoạt động quân sự của Nga, "truyền bá thông tin có lợi cho Nga hoặc vận chuyển máy bay không người lái của Nga ở Ukraine".
"EU luôn sát cánh cùng Ukraine và người dân nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev cho đến chừng nào còn cần thiết", Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu nói.
Tuyên bố trên lặp lại cụm từ "cho đến chừng nào còn cần thiết" từng được Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số quan chức Mỹ sử dụng để bày tỏ sự ủng hộ của Washington với Kiev. Cũng như giới chức Mỹ, EU không xác định cụ thể mục tiêu đạt được cũng như thời gian hỗ trợ Ukraine.
Mỹ, Anh, Úc và New Zealand trước đó công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Dù giới chức phương Tây nói rằng các lệnh trừng phạt "đang hiệu quả", nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% trong năm 2022. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 11,2% của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4.
Với doanh thu từ năng lượng cao hơn so với trước thời điểm xung đột, nền kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Anh trong năm nay.
Trong bài phát biểu thông điệp liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phản tác dụng. "Nền kinh tế Nga mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây tưởng tượng", ông Putin nói.
Nguyễn Thái - RT