EU vẫn “chừa đường” cho mặt hàng “tối quan trọng” từ Nga chảy sang

Thứ 5, 02/11/2023 | 11:03
0
Việc châu Âu nhập hàng từ Nga vừa giúp làm đầy “hòm chiến tranh” của Moscow vừa làm lợi cho các nhà tài phiệt và các công ty nhà nước được Điện Kremlin hậu thuẫn.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 11 gói trừng phạt nhằm vào dầu mỏ, than đá, thép và gỗ của Moscow, nhưng vẫn “ưu ái” các loại khoáng sản mà khối này cực kỳ cần cho mục tiêu khí hậu của mình.

Theo đó, 34 loại nguyên liệu thô được phân loại là “tối quan trọng” vẫn tự do chảy từ Nga sang châu Âu với số lượng lớn, cung cấp nguồn tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga.

Trong 16 tháng – từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 7 năm nay, châu Âu đã chi 13,7 tỷ euro nhập khẩu từ Nga các loại nguyên liệu thô không bị vướng trừng phạt, dữ liệu từ Cơ quan thống kê (Eurostat) và Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của EU cho thấy.

Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, hơn 3,7 tỷ euro đã được chi cho mục đích trên, bao gồm 1,2 tỷ euro nhập khẩu niken Nga. Trung tâm Chính sách châu Âu ước tính có tới 90% niken được sử dụng ở “lục địa già” đến từ các nhà cung cấp của Nga.

Trong khi một số đồng minh phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực khai thác mỏ của Moscow – như Vương quốc Anh gần đây đã cấm đồng, nhôm và niken Nga – thì doanh nghiệp ở các nước thành viên EU vẫn tiếp tục các giao dịch.

Thế giới - EU vẫn “chừa đường” cho mặt hàng “tối quan trọng” từ Nga chảy sang

Những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, khủng hoảng khí hậu và sự phổ biến của xe điện đồng nghĩa với việc nguồn cung khoáng sản của Nga sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Ảnh: bne IntelliNews

“Tại sao các nguyên liệu thô tối quan trọng không bị cấm? Bởi vì chúng rất quan trọng, phải không? Thành thật mà nói là như vậy”, Đặc phái viên của EU về các biện pháp trừng phạt, ông David O’Sullivan, thừa nhận tại một hội nghị hồi tháng 9.

EU cần những nguyên liệu thô “tối quan trọng” – sử dụng cho các thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và ô tô điện, cũng như đối với các ngành công nghiệp truyền thống như hàng không vũ trụ và quốc phòng – để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050. Nhưng tất cả những nguyên liệu này đều thường xuyên trong tình trạng nguồn cung khan hiếm và không đồng đều trên toàn cầu trong khi nhu cầu sử dụng lại cao.

Trong khi đó, Nga lại là nhà cung cấp hàng đầu. “Với diện tích trải rộng trên cả hai lục địa Á-Âu, Nga sở hữu một phần lớn kho dự trữ chiến lược các nguyên liệu thô tối quan trọng, ngang bằng với Trung Quốc”, ông Oleg Savytskyi từ Razom We Stand, một tổ chức phi chính phủ ở Ukraine, cho biết.

Hàng vẫn “tuồn” sang châu Âu

Việc châu Âu vẫn nhập hàng từ Nga không chỉ giúp làm đầy “hòm chiến tranh” của Moscow mà còn mang lại lợi ích cho các nhà tài phiệt và các công ty nhà nước được Điện Kremlin hậu thuẫn.

Phân tích dữ liệu hải quan Nga cho thấy Vsmpo-Avisma, nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu ít nhất 308 triệu USD titan vào EU thông qua các chi nhánh ở Đức và Anh trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023.

Công ty này thuộc sở hữu một phần của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec. Cả Rostec và Vsmpo-Avisma đều nằm dưới sự điều hành của Chủ tịch Sergei Chemezov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bản thân ông Chemezov và Rostec đều có tên trong “danh sách đen” của EU vì cung cấp xe tăng và vũ khí cho Quân đội Nga. Brussels chưa trừng phạt trực tiếp Vsmpo-Avisma, nhưng Mỹ đã cấm xuất khẩu cho công ty này từ cuối tháng 9, vì Vsmpo-Avisma “trực tiếp tham gia sản xuất và chế tạo các sản phẩm titan và kim loại cho quân đội và các cơ quan an ninh của Nga”.

Thế giới - EU vẫn “chừa đường” cho mặt hàng “tối quan trọng” từ Nga chảy sang (Hình 2).

Các tấm niken tại Công ty Luyện kim và Khai thác Kola - một đơn vị của Tập đoàn Nornickel Nga, tại thị trấn Monchegorsk, vùng Murmansk, ngày 25/2/2021. Ảnh: Getty Images

Trong số các khách hàng châu Âu lớn nhất của Vsmpo-Avisma có Airbus, gã khổng lồ hàng không vũ trụ thuộc sở hữu một phần của các chính phủ Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine đến tháng 3/2023, Airbus đã nhập khẩu titan trị giá ít nhất 22,8 triệu USD từ Nga; giá trị và khối lượng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Nornickel, công ty Nga dẫn đầu thế giới về khai thác và luyện kim niken và palladium, đã xuất khẩu 7,6 tỷ USD niken và đồng cùng hơn 3 tỷ USD palladium, bạch kim và rhodium sang EU thông qua các công ty con ở Phần Lan và Thụy Sĩ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023.

Trong năm 2022, gần 50% doanh số bán hàng của Nornickel là đến châu Âu. Brussels đã không trừng phạt Nornickel cũng như Chủ tịch và cổ đông lớn nhất của nó là tỷ phú Vladimir Potanin.

Gã khổng lồ ngành nhôm Nga Rusal cũng sử dụng các “thiên đường thuế” để “tuồn” hàng sang châu Âu. Rusal sở hữu nhà máy tinh chế nhôm lớn nhất EU ở Ireland và một nhà máy luyện kim ở Thụy Điển.

Các công ty thương mại có trụ sở tại đảo Jersey và Thụy Sĩ đã mang ít nhất 2,6 tỷ USD nhôm vào EU trong 16 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine. Vào tháng 8/2023, Rusal cho biết châu Âu vẫn chiếm 1/3 doanh thu của họ. Cổ đông chính của Rusal là nhà tài phiệt Oleg Deripaska, người bị EU và các đối tác phương Tây trừng phạt.

Khó khăn khi “cai nghiện”

Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – không bình luận công khai về việc liệu họ có đề xuất lệnh cấm đối với các nguyên liệu thô tối quan trọng hay không, nhưng khẳng định các biện pháp trừng phạt phải được thiết kế cẩn thận để đánh trúng mục tiêu trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của EU.

“Cai nghiện” các loại nguyên liệu chiến lược và quan trọng của Nga là khó khăn. Thay thế nhà cung cấp và xây dựng quan hệ đối tác quốc tế mới là một quá trình gian khổ. Việc tìm kiếm một nguyên liệu thô, chẳng hạn như titan hoặc đồng, có chất lượng và giá cả tương tự như nguyên liệu từ Nga cũng là một thách thức.

Việc áp dụng thuế quan hoặc cắt đứt quan hệ quá nhanh có thể dẫn đến sự tăng giá toàn cầu, gây tổn hại cho người mua châu Âu trong khi mang lại lợi ích cho Moscow. Lệnh cấm cũng có thể khiến Ấn Độ, Iran và Trung Quốc tăng cường mua hàng, làm cạn kiệt thêm nguồn nguyên liệu thô tối quan trọng cho các ngành công nghiệp của EU.

Ông Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kyiv (KSE), cho rằng lệnh cấm sẽ khó thực hiện do những thách thức về nhu cầu toàn cầu và sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga.

“Nhìn chung, với những nguyên liệu cụ thể này, doanh thu mà Nga mất do không thể xuất khẩu sang EU sẽ nhỏ hơn so với tác động của lệnh cấm đối với sản xuất của EU”, ông Mylovanov, người đồng thời là cựu Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Ukraine, cho biết.

Thế giới - EU vẫn “chừa đường” cho mặt hàng “tối quan trọng” từ Nga chảy sang (Hình 3).

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis (trái) và Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton tại một cuộc họp báo ngày 16/3/2023 thảo luận về việc Ủy ban châu Âu ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA). Ảnh: S&P Global

Dữ Cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc cho thấy, trong khi EU đã giảm nhập khẩu đồng, niken và nhôm từ Nga trong 2 năm qua, doanh thu của nước này từ niken và nhôm vẫn ổn định. Doanh số bán niken của Nga sang EU trị giá 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 và đạt 1,1 tỷ USD trong cùng kỳ 2 năm sau đó.

EU hiện đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của mình. Hồi tháng 3, EC đã giới thiệu Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA) – một đạo luật mới nhằm giảm sự phụ thuộc của EU vào các nước thứ ba đối với các nguyên liệu thô được phân loại là tối quan trọng.

CRMA nhằm mục đích đảm bảo không có nước thứ ba nào cung cấp hơn 65% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô hàng năm của EU. Nó cũng đặt mục tiêu cho khối này khai thác 10%, xử lý 40% và tái chế 15% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô hàng năm vào năm 2030.

“Chiến tranh ở châu Âu là một rủi ro chưa từng xuất hiện trong những thập kỷ qua khi Nga vẫn được biết đến với tư cách một nhà cung cấp đáng tin cậy”, ông Hildegard Bentele, thành viên Nghị viện châu Âu đến từ Đức thuộc nhóm phụ trách trình bày về CRMA, cho biết. “EU nên hành động ngay lập tức để hỗ trợ các công ty châu Âu giảm bớt và thay thế các mặt hàng nguyên liệu thô tối quan trọng được giao bởi Nga càng sớm càng tốt”.

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU dự kiến sẽ đề xuất gói trừng phạt thứ 12 trong những tuần tới, sau đó sẽ được các nước thành viên thảo luận. Brussels hy vọng gói này sẽ gây áp lực mới lên nền kinh tế Nga và làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của nước này trên chiến trường Ukraine. Nhưng một lần nữa, những hạn chế đối với các nguyên liệu thô tối quan trọng dường như vẫn chưa được đặt lên bàn cân.

Minh Đức (Theo Investigate Europe, Euronews)

Tòa tối cao EU lần đầu dỡ bỏ trừng phạt doanh nhân Nga

Thứ 5, 07/09/2023 | 09:07
Vụ việc sẽ tạo tiền lệ liên quan đến nhiều lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) ảnh hưởng đến công dân Nga.

Mỹ và châu Âu khó từ chối mặt hàng đang giúp làm “đầy túi” cho Nga

Thứ 5, 10/08/2023 | 15:44
Sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân Nga dự kiến sẽ tăng lên khi các quốc gia triển khai các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

"Các lệnh trừng phạt Nga như gậy ông đập lưng ông đối với Mỹ và EU"

Thứ 5, 09/06/2022 | 16:04
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng cho rằng các lệnh trừng phạt Nga còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và quyền kinh tế của tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Cùng tác giả

Góc nhìn Người Đưa Tin: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2023

Thứ 2, 25/12/2023 | 07:15
Xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung, bất ổn ở châu Phi... là những sự kiện “tốn nhiều giấy mực” nhất của truyền thông trong năm qua.

Lãi suất cao ở Mỹ gây bất ổn tài chính tại Đông Á mới nổi

Thứ 2, 27/11/2023 | 10:11
Lập trường thắt chặt tiền tệ của Fed đã khiến thị trường chứng khoán ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Hàn Quốc, đi xuống.

3 hướng đi mới để phát triển con người khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Thứ 3, 07/11/2023 | 21:08
Theo UNDP, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người.

Sức hút đầu tư của Pháp – Bài học cho Việt Nam

Chủ nhật, 15/10/2023 | 15:00
Chìa khóa để Pháp đạt được những “dấu son” trên hành trình tái công nghiệp hóa và thu hút đầu tư là cải cách. Đây cũng là bài học giá trị mà Việt Nam có thể học hỏi.

Cải cách giúp ADB biến “hàng tỷ” USD thành “hàng nghìn tỷ”

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:31
Để đạt được điều này, huy động nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.
Cùng chuyên mục

Không thể ngăn bước tiến của Nga, Ukraine mất tuyến phòng thủ phía tây Avdeevka

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:00
Xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết. Thời tiết ấm áp và khô ráo sắp tới dự kiến sẽ khiến căng thẳng leo thang.

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Thời điểm bước ngoặt của Nga hé lộ, khí tài Mỹ liệu có thể giúp Ukraine?

Thứ 7, 04/05/2024 | 10:00
Ukraine vẫn đối mặt với “thiếu hụt trầm trọng” hầu hết mọi thứ. Điều này khiến lực lượng Kiev gặp khó trong việc phản ứng trước các hoạt động của Nga.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Hungary sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nếu xung đột Ukraine kéo sang năm sau

Thứ 6, 03/05/2024 | 16:02
Hungary, mặc dù phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ tài chính-quân sự của phương Tây cho Ukraine vì lo ngại xung đột lan khắp Châu âu, cũng đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
     
Nổi bật trong ngày

Tình hình Ukraine: Nga vừa tiến vừa giành thêm lợi ích chiến thuật

Thứ 6, 03/05/2024 | 14:45
Các thông số hiện có cho thấy Nga đang tăng cường tập trung quân một cách bất thường ở vùng Donetsk.

Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Thứ 7, 04/05/2024 | 11:05
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.

Tên lửa LMUR Nga mạnh mẽ cỡ nào khi phá hủy các mục tiêu của Ukraine?

Thứ 6, 03/05/2024 | 09:55
LMUR được trang bị cho trực thăng Mi-28NM, Mi-8MNP-2 và Ka-52M. Tại khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, LMUR hoạt động vô cùng hiệu quả.

Hải quân Mỹ được trang bị tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới nhất

Thứ 7, 04/05/2024 | 06:00
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nói chung có thể được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi tùy theo cấu hình và yêu cầu.

Mất thị trường khí đốt châu Âu, Gazprom Nga lần đầu báo lỗ đậm

Thứ 6, 03/05/2024 | 11:01
Cổ đông chính của Gazprom – Chính phủ Nga – phải đối mặt với căng thẳng tài chính trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng cao và các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU.