Nỗi lo không của riêng ai
Liên tiếp những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 luôn ở mức cao, vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Số ca F0 tăng đồng nghĩa với việc F0 điều trị tại nhà cũng tăng.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet trên tay, người dùng dễ dàng quan sát thấy đâu đâu cũng đăng tải cập nhật tình hình “hai vạch”.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Trang (Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết gia đình chị có 4 người thì 3 người bị F0.
“Gia đình tôi có 3 thành viên là F0, từ khi bị F0, các khoản chi tiêu trong gia đình cũng đội lên rất nhiều. Từ việc xin nghỉ làm để chăm sóc chồng và hai con cho đến việc ăn uống, mua kit test và thuốc điều trị”, chị Trang bộc bạch.
Theo lời chị Trang, việc mua kit test là tốn kém nhất vì phải test lại nhiều lần, khi test lúc dương tính lúc lại âm tính. “Tổng chi phí vào khoảng 4 triệu đồng trong 1 tuần ( tính cả thuốc, thực phẩm). Thông thường sẽ được hưởng chế độ ốm đau của BHXH, nhưng do thời điểm bây giờ Hà Nội dịch đang tăng nên việc làm thủ tục hưởng bảo hiểm rất khó khăn”, chị Trang nói thêm.
Cũng giống như chị Trang, gia đình anh Đạo (Thanh Trì, Hà Nội) có vợ đang mang bầu và hai bố con đều dương tính với Covid-19. “Vợ tôi đang mang bầu tháng thứ 7, khi test dương tính vợ chủ động cách ly phòng riêng, nhưng đến hôm sau tôi có triệu chứng ho, test cả hai bố con thì dương tính tất. Từ khi phát hiện dương tính, cả nhà tôi đều nghỉ làm hết, chưa kể vợ bầu nên chế độ chăm sóc cũng đặc biệt hơn, tôi mua thuốc bổ, kit test nhanh, đồ ăn thức uống… Chỉ mới 5 ngày mà cũng đã tiêu tốn hết vài triệu bạc”.
Anh Đạo cho biết vợ chồng anh làm công ăn lương, con lớn được 5 tuổi và giờ nghỉ làm vì bị Covid nên cũng không có khoản thu nhập thêm.
“Vợ tôi đang bảo khi nào khỏi bệnh sẽ ra trạm y tế xin giấy xác nhận khỏi Covid để được hưởng bảo hiểm, nhưng không biết có xin được giấy không khi mà số ca mắc vẫn đang tăng mỗi ngày. Bị bệnh không ai mong muốn nhưng gia đình tôi cũng đành chịu vậy chứ biết làm sao”, anh Đạo chia sẻ thêm.
Gia đình chị Nhung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) 5 người thì cả 5 người đều bị Covid-19. Chị Nhung nhẩm tính, từ ngày đầu phát hiện dương tính, cả nhà đã làm test nhanh (5 que test có giá 70.000 đồng/que), sau đó làm thêm PCR khẳng định, vài ngày sau lại test lại, chưa kể các khoản thuốc điều trị, thuốc xông, đồ ăn uống… trong khoảng một tuần chị Nhung phải chi ra 5 triệu đồng cho cả gia đình.
“Bị Covid không ai mong muốn, nhưng bị rồi thì tâm lý ai cũng lo nên mua thuốc phòng chống uống cho nhanh khỏi. Tôi chỉ mong có cách nào đó để hỗ trợ phần nào chi phí tự điều trị tại nhà cho những bệnh nhân F0 như chúng tôi”, chị Nhung nói.
Còn đối với sinh viên xa nhà Đặng Trung Tuyến (quê Hải Phòng) cho biết từ khi bị F0 cậu cũng không đi làm được khiến chi phí sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
“Tôi là sinh viên từ Hải Phòng lên Hà Nội học, chi phí sinh hoạt hàng ngày là do tôi đi làm thêm ở quán cơm mà có. Ở nhà, bố tôi là lao động chính cũng bị F0, từ khi biết bị F0 tôi nghỉ làm nên chi phí sinh hoạt gặp không ít khó khăn, ngoài tiền thuốc thang, xét nghiệm thì còn phải lo tiền trọ. Khi trao đổi với bác chủ trọ, bác có giảm tiền phòng cho tôi một chút, nhưng nói chung là ốm đau không làm được gì nên vẫn khó khăn”, Tuyến chia sẻ.
Trong khi đó, cậu sinh viên Bùi Thọ Hiếu (trọ ở Phố Đồng Me, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lên Hà Nội thực tập không may bị F0, cách ly và điều trị tại phòng trọ, Hiếu nhẩm tính, khoản chi trả thuốc thang, PCR, kit test và những nguyên liệu hỗ trợ khác tổng chi phí là gần 2 triệu đồng trong 5 ngày. “Với người đi làm thì còn đỡ, chứ như tôi đang là sinh viên thì đó cũng là cả một vấn đề”, Hiếu tâm sự.
F0 điều trị tại nhà được hỗ trợ như thế nào?
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), cho hay, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được xác định là bệnh nhân nên thời gian điều trị tại nhà được xác định là thời gian nghỉ ốm. Vì thế, ngoài các quyền lợi, chế độ riêng mà nhà nước quy định dành cho người mắc Covid-19 thì người mắc Covid-19 điều trị tại nhà còn được áp dụng các chính sách an sinh xã hội, các khoản hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Theo TS.LS Cường, người mắc Covid-19 có thể được hưởng 4 quyền lợi sau:
Thứ nhất, được hỗ trợ đến 3.000.000 đồng từ Công đoàn đối với người lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức.
Theo Quyết định 3749, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ: Tối đa 3 triệu đồng nếu/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế;
Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế.
Căn cứ vào quyết định này, Công đoàn của từng tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục để người lao động nhận khoản tiền hỗ trợ này. Về nguyên tắc, theo quy định của văn bản này thì mỗi người chỉ được nhận một lần khi mắc Covid-19.
TS.LS Cường cho biết: “Theo quy định hiện nay về việc cách ly y tế tại nhà đối với F0 thì thời gian cách ly là 7 ngày. Bởi vậy trong trường hợp cơ sở y tế không gia hạn thời hạn cách ly tại nhà (bởi trong 7 ngày người mắc F0 đã âm tính) thì những trường hợp cách ly dưới 21 ngày sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp này. Còn trong trường hợp những người phải nghỉ việc để điều trị đủ thời hạn quy định nêu trên thì có thể liên hệ với cán bộ công đoàn của cơ quan hoặc công đoàn cơ sở để được thực hiện thủ tục và nhận hỗ trợ theo quy định pháp luật".
Thứ hai, tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đối với những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với những người lao động có hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm xã hội khi bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 25 (Luật Bảo hiểm xã hội). Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 của Luật này.
Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 (Điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội).
Thủ tục người lao động được hưởng khoản trợ cấp này được thực hiện theo Công văn 238/BYT-KCB. Theo đó, F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu điều trị ngoại trú) sau đó chuyển cho người sử dụng lao động để làm thủ tục hưởng chế độ.
Thứ ba, tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid. Theo quy định tại Điều 29 (Luật Bảo hiểm xã hội) thì sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày.
Tuy nhiên, người lao động chỉ được hưởng khoản tiền này nếu F0 điều trị từ 30 ngày trở lên trong năm (quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH). Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.
Thứ tư, tiền lương do người sử dụng lao động trả. Trong trường hợp người lao động vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Theo BHXH Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số lượng người mắc và điều trị tại nhà gia tăng mà Thông tư số 56/2017/TT-BYT chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ… cũng như người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà. BHXH Việt Nam đã kịp thời có các Công văn: số 1638/BHXH-CSXH ngày 11/6/2021; số 2321/BHXH-CSXH ngày 3/8/2021; số 2793/BHXH-CSXH ngày 6/9/2021, số 2989/BHXH-CSXH ngày 24/9/2021 và số 10/BHXH-CSXH ngày 5/1/2022 báo cáo, đề xuất với Bộ Y tế về thực trạng này.
Bộ Y tế đã có Công văn số 238 về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị Covid-19, tại điểm 2, điểm 3 công văn này nêu: "Hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời, chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ. Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên".
Hoàng Bích - Nguyễn Sơn