Một nhóm cổ động viên Qatar mang theo ảnh cựu tuyển thủ Đức Mesut Özil và lặp lại hành động dùng tay che miệng giống các cầu thủ Đức. Ảnh: AP
Trong trận đấu thuộc khuôn khổ bảng E giữa đội tuyển Đức và Tây Ban Nha rạng sáng 28/11, một số cổ động viên Qatar đã cầm theo các bức ảnh chụp Mesut Özil - một cựu tuyển thủ Đức nổi tiếng - và lặp lại hành động dùng tay che miệng giống các tuyển thủ Đức khi chụp ảnh trước trận gặp Nhật Bản.
Một số cổ động viên cầm theo các bức vẽ tay chân dung Mesut Özil, trong khi số khác cầm theo bức ảnh Özil lúc còn thi đấu trong màu áo "Cỗ Xe tăng" Đức.
Theo hãng tin AP (Mỹ), hành động này của nhóm cổ động viên Qatar nhằm đáp trả hành động dùng tay che miệng lúc chụp ảnh của các tuyển thủ Đức trước trận thua Nhật Bản ngày 23/11. Các cầu thủ Đức và liên đoàn bóng đá nước này tuyên bố, hành động dùng tay che miệng của họ nhằm phản đối lệnh cấm đeo tấm băng tay in dòng chữ "One Love" của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Trước đó, 7 đội tuyển, trong đó có Đức, lên kế hoạch đeo tấm băng tay này để ủng hộ quyền của cộng đồng LGBTQ.
Một số cổ động viên Qatar trên khán đài sân vận động trong trận Đức - Tây Ban Nha rạng sáng 28/11. Ảnh: AP
Với việc lựa chọn Mesut Özil, nhóm cổ động viên Qatar muốn chuyển đi thông điệp rằng tuyển Đức cần xem lại cách đối xử của họ với một trong những siêu sao của làng túc cầu.
Năm 2018, Özil, một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc liên đoàn bóng đá, người hâm mộ và giới truyền thông Đức phân biệt chủng tộc, thể hiện trong cách đối xử của họ với những người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi là người Đức khi đội tuyển giành vinh quang nhưng khi thất bại, tôi bị xem là một kẻ nhập cư" - đó là câu nói nổi tiếng của cựu tuyển thủ Đức.
Vụ lùm xùm liên quan tới Özil bắt đầu từ trước World Cup 2018 khi Özil và đồng đội Ilkay Gündogan chụp chung một bức ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Gündogan cũng là cầu thủ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi hình ảnh được lan truyền, Özil bị các cổ động viên Đức chế nhạo trong một trận đấu khởi động trước World Cup 2018.
Özil bị xem là "vật tế thần" sau thất bại của đội tuyển Đức ở Word Cup 2018. Ảnh: Reuters
Vụ việc càng thêm nghiêm trọng khi World Cup 2018 diễn ra, với những tuyên bố như "đổ dầu vào lửa" của giám đốc kỹ thuật đội tuyển Đức Oliver Bierhoff và chủ tịch liên đoàn bóng đá Đức Reinhard Grindel, theo hãng tin AP. Sau World Cup 2018, Özil tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế và viết một lá thư từ giã đội tuyển Đức, nói rằng bị phân biệt chủng tộc.
Grindel và Bierhoff sau đó thừa nhận đáng lẽ họ nên hỗ trợ cho Özil nhiều hơn thay vì đưa ra các tuyên bố gay gắt.
Phát biểu sau trận hòa 1-1 với đội tuyển Tây Ban Nha rạng sáng 28/11 tại World Cup 2022, tuyển thủ Đức Gündogan cho biết từ giờ chỉ muốn tập trung vào bóng đá.
"Thành thật mà nói, quan điểm của tôi bây giờ là: Chính trị đã kết thúc", Gündogan nói. "Qatar rất tự hào khi là nước Hồi giáo đầu tiên tổ chức World Cup. Gia đình tôi cũng theo đạo Hồi và chúng tôi cũng như cộng đồng Hồi giáo đều tự hào vì Qatar làm được điều này. Vì vậy, tôi nghĩ lúc này chúng ta nên tập trung vào bóng đá mà thôi".
Nguyễn Thái -AP