Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa nâng lãi suất thêm 0,25%. Cơ quan này cũng đưa ra tín hiệu thêm 6 lần tăng như vậy trong năm nay.
Đây là một phần trong những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế đà tăng lạm phát nhanh nhất trong vòng bốn thập kỷ, khi tăng trưởng kinh tế đang đối mặt với rủi ro gia tăng.
Các nhà hoạch định chính sách FED đã bỏ phiếu 8-1 để nâng lãi suất chủ chốt của họ lên phạm vi mục tiêu 0,25-0,5%. Động thái đánh dấu mức tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018, sau hai năm giữ chi phí đi vay gần bằng 0 để giúp nền kinh tế ứng phó với đại dịch.
Cơ quan này cho biết "các mức tăng liên tục trong phạm vi mục tiêu sẽ là phù hợp". Theo biểu đồ dự báo của FED, lãi suất cơ bản sẽ ở mức khoảng 1,9% vào cuối năm 2022 và khoảng 2,8% vào năm 2023. Chủ tịch FED Jerome Powell chia sẻ: “Chúng tôi đang chú ý tới rủi ro gia tăng áp lực đối với lạm phát và kỳ vọng lạm phát”.
Họ ước tính lạm phát sẽ đạt 2,8% vào năm 2024 - năm cuối cùng của dự báo. Tuy nhiên, dự báo còn nhiều sự không chắc chắn do tác động từ căng thẳng quân sự Nga-Ukraine và các lệnh phong tỏa Covid-19 mới tại Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Powell bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Mỹ vẫn đủ vững chắc để FED có thể thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất mà không gây suy thoái. Ông nói: “Tất cả dấu hiệu cho thấy đây là một nền kinh tế mạnh”, vẫn có thể phát triển khi đối mặt với chính sách tiền tệ thay đổi.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trong một tuyên bố hôm 16/3, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Washington lần đầu được tổ chức trực tiếp kể từ khi bùng phát đại dịch thay vì qua truyền hình, cho biết “Kinh tế Mỹ đang chịu những tác động không chắc chắn. Trong thời gian tới, cuộc xâm lược và các sự kiện liên quan có thể gây thêm áp lực đối với lạm phát và hoạt động kinh tế".
Ông Powell nhận định: “Ủy ban đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đưa nền kinh tế trở lại trạng thái ổn định giá cả".
FED hiện phải đối mặt với "bài toán khó" về hoạch định chính sách cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu thực hiện thắt chặt quá chậm sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi thay đổi quá nhanh có thể gây ảnh hưởng đến thị trường và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Một yếu tố làm phức tạp thêm “bài toán" chính sách đó là căng thẳng quân sự Nga-Ukraine đã đẩy chi phí nhiên liệu, thực phẩm và kim loại tăng cao.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa hôm 16/3 với mức tăng sau khi FED nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 518 điểm, tương đương 1,55%, lên 33.063 vào lúc đóng cửa. S&P 500 tăng 95 điểm, tương đương 2,24%, kết thúc ở mức 4.357. Nasdaq tăng gần 488 điểm, tương đương 3,77%, kết thúc ngày ở mức 13.436.
Chỉ số biến động VIX, thước đo thể hiện sự mong đợi về biến động thị trường, đã giảm mạnh 10,6% xuống 26,67. Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng USD so với tiền tệ của các đối tác thương mại quan trọng nhất đối với Mỹ, đã giảm 0,73% xuống 98,47.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,9%, lên mức 2,179%. Kim loại quý tăng giá, với vàng tăng 0,35% lên 1.924 USD/ounce và bạc tăng 0,76% lên 25,07 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục giảm, với dầu thô Brent chuẩn toàn cầu được giao dịch ở mức 97,58 USD/thùng (giảm 2,3%), trong khi giá dầu chuẩn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ ở mức 94,80 USD/thùng (giảm 1,7%).
Phạm Hà Thanh (The National News, AA)