Những ngày qua, dư luận TP.Đà Nẵng xôn xao trước thông tin tập đoàn FLC có văn bản gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng xin giới thiệu địa điểm để khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư tổ hợp du lịch tại địa phương.
Theo doanh nghiệp này, TP.Đà Nẵng vẫn đang thiếu một khu phức hợp dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng quy mô thực sự lớn, tích hợp được tất cả mô hình du lịch hấp dẫn nhất của thế giới. Địa phương này cần phát triển được những khu phức hợp dịch vụ du lịch lớn, giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch.

FLC xin TP.Đà Nẵng 1.000 - 2.000ha đất để đầu tư siêu dự án bất động sản du lịch.
“Với mong muốn góp phần phát triển kinh tế du lịch TP.Đà Nẵng, tập đoàn FLC đề xuất Thường trực Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng xem xét, giới thiệu khu đất có diện tích lớn từ 1.000 - 2.000ha để FLC có thể tiếp cận nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư dự án. Nếu được giới thiệu địa điểm phù hợp, tập đoàn FLC sẽ quyết tâm đầu tư tại TP.Đà Nẵng với dự án quy mô lớn, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, góp phần đưa TP Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất của châu Á trong tương lai”, trích văn bản.
Theo FLC, khu phức hợp giải trí du lịch chuẩn bị mọc lên tại khu đất rộng từ 1.000 - 2.000 ha này bao gồm 11 hạng mục: Cụm các sân golf liên hoàn, cụm khách sạn, resort 5 sao, khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế, Khu dịch vụ vui chơi giải trí tập trung đẳng cấp, tổ hợp các khu chăm sóc sức khỏe chủ động, khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục, vui chơi khoa học trẻ em, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, trường đua ngựa và vườn thú, công viên chủ đề và quảng trường trung tâm, khu mua sắm tập trung, khu tâm linh và các khu biệt thự sinh thái.
Nếu dự án được hiện thực hóa sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch giá trị lớn cho TP Đà Nẵng. Qua đó sẽ thu hút thêm du khách, góp phần thúc đẩy phát triển doanh thu chuyên ngành du lịch - dịch vụ -bất động sản, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và vô vàn lợi ích khác.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, thời gian qua, tập đoàn FLC cũng đã đề xuất tương tự và khảo sát nhiều địa điểm ven biển, các đảo tại các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định... Hầu hết, các dự án này đều nằm sát biển. Tại các địa phương mà FLC đầu tư trước đó, người dân cũng đã tỏ ra lo lắng, kiến nghị điều chỉnh quy mô, hạng mục dự án vì sợ nguy cơ tác động xấu, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc địa chất, di sản quanh các vùng biển…
"Đà Nẵng đang rất nóng chuyện đất đai. Nhiều dự án cấp phép sai quy định khiến nhiều cán bộ vướng lao lý. Hàng chục dự án ở "đất vàng" trung tâm cũng từng được "vẽ" ra nào là tháp đôi, siêu dự án... nhưng rồi "đắp chiếu", hoang phí. Nghe chuyện tập đoàn FLC xin đầu tư dự án hàng nghìn hecta ở Đà Nẵng, người dân rất quan tâm. Rồi còn chuyện môi trường nữa...", cử tri Phan Văn Thinh (trú quận Sơn Trà) nêu ý kiến.
Những lo lắng của dư luận là có cơ sở. Thực tế, trong quá khứ, tại TP.Đà Nẵng có rất nhiều dự án khi đến thì rình rang, nhưng lại ra đi không kèn không trống. Có thể kể đến như, tháp đôi Blooming Tower Đà Nẵng, dự án Sunrise Bay, “siêu” tổ hợp tháp đôi lớn nhất miền Trung - Viễn Đông Meridian Tower, dự án Hòn Ngọc Viễn Đông... Đây đều là những dự án triệu đô được chủ đầu tư "vẽ" ra những viễn cảnh trong mơ.
Tại TP.Đà Nẵng, cách đây chưa lâu, hàng trăm người dân Nam Ô, quận Liên Chiểu cũng đã bao vây dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô để phản đối vì dự án che chắn hết lối đi xuống biển của họ. Điều này gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và cả môi trường đầu tư.

Hàng loạt dự án bất động sản "án ngữ" bờ biển TP.Đà Nẵng
KTS. Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng cho biết, việc các dự án lớn khởi công rồi nằm yên ảnh hưởng rất lớn, phá vỡ quy hoạch thành phố, làm trì trệ sự phát triển của đô thị. Thông thường khi xin đầu tư, các dự án này đều đưa những thông tin "tô vẽ" rất đẹp, khả thi. Khi xem xét cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần xem xét nhiều yếu tố. Ngoài những lý do như vốn, thủ tục, pháp lý thì hiện các chủ đầu tư quá chú trọng vào lợi nhuận, phá vỡ cấp phép để tận dụng bán bất động sản khiến các dự án chậm trễ.
PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật nhìn nhận rằng, hiện, bất động sản là thứ "mồi ngon" cho các nhà đầu tư, từ đó, cũng đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập. Lỗi này không nằm ở nhà đầu tư mà là ở khung chính sách.
"Ở đây, FLC mới chỉ xin đất đầu tư thì chưa thể nói gì được nhiều. Người dân rất quan tâm đến môi trường. Về tác động môi trường thì phải xem xét ở các dự án cụ thể", PGS.TS Võ Văn Minh nói.