Nhiều năm về trước, Florentin Phạm Huy Tiến từng là cái tên nổi đình nổi đám ở giới truyền thông Việt Nam khi anh suýt chút nữa có cơ hội làm cầu thủ gốc Việt đầu tiên ra sân ở Champions League. Bẵng đi vài năm, sự nghiệp của cầu thủ này đã sa sút không phanh.
Chàng trai gốc Việt ở Romania
Bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung có không ít những trường hợp các cầu thủ gốc Việt được kêu gọi trở về quê hương thi đấu cho tổ quốc. Với riêng bóng đá, đã có không ít những cầu thủ như vậy. Ở V.League chúng ta đã từng có Lee Nguyễn, Đặng Văn Robert, Đặng Văn Lâm, Michal Nguyễn.
Patrik Lê Giang, thủ môn mang hai dòng máu Việt và Slovakia, đã từng có thời gian khoác áo đội tuyển U22 Việt Nam. Filip Nguyễn, thủ thành có hai dòng máu Việt và CH Czech đã từng về Việt Nam thử việc ở Thanh Hoá và sắp tới đây được cho là sẽ trở về quê cha để hoàn tất thủ tục lấy quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, Adriano Schmidt mới đây đã được triệu tập lên ĐT Việt Nam và nằm trong danh sách tham dự hai trận vòng loại World Cup 2022 gặp Oman và Nhật Bản.
Có thể nói, những cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài là rất nhiều và việc mời họ trở về Việt Nam thi đấu là điều không hề dễ, nhất là vài năm trước khi bóng đá nước nhà chưa khởi sắc. Trong quá khứ đã từng có một cầu thủ gốc Việt thẳng thừng từ chối những lời đề nghị liên quan tới bóng đá Việt Nam, đó là Florentin Phạm Huy Tiến.
Florentin Phạm Huy Tiến sinh ngày 2/3/1997 tại thành phố Braila, Romania trong một gia đình có bố là người Việt Nam và mẹ là người Romania. Năm 9 tuổi, anh gia nhập đội trẻ Juventus Bucuresti (tên hiện tại là ASC Daco-Getica Bucuresti). Sau 8 năm tập luyện ở đây, Phạm Huy Tiến đầu quân đội bóng số một Romania là Steaua Bucuresti theo lời mời của HLV Constantin Galca. Ông Constantin Galca từng là danh thủ của bóng đá Romania và đã tham dự World Cup 1994, 1998 cũng như Euro 1996, 2000. Sau khi chuyển sang sự nghiệp huấn luyện, Galca từng có thời gian dẫn dắt ĐT U17 Romania và đây quãng thời gian ông gặp cũng như làm việc cùng Phạm Huy Tiến.
“Tôi rất vui vì Galca muốn tôi có mặt trong đội bóng của ông và tôi sẽ làm tất cả để đền đáp lòng tin đó. Tôi rất hạnh phúc khi ở đây mặc dù có một chút áp lực. Trong một năm tới tôi muốn học hỏi từ nhiều cầu thủ ở Steaua cũng như thi đấu tốt trong đội U18 Romania”, Huy Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, ông Galca cho biết: “Cậu ấy không được đưa về đây để đá đội một mà trước hết dành cho đội trẻ. Cậu ấy không chỉ là hậu vệ vệ mà còn là tiền vệ”.
Xuất thân ở vị trí hậu vệ cánh phải, tuy nhiên Phạm Huy Tiến có thể đá nhiều vị trí ở hàng tiên vệ. Tốc độ và sự đa năng là một điểm mạnh của Huy Tiến. Mùa giải 2014/2015, ở tuổi 17, anh được đăng ký vào danh sách tham dự vòng sơ loại Champions League của đội một Steaua Bucuresti. Thời điểm ấy, Transfermakt định giá cầu thủ này là 100.000 euro. Đó cũng lúc anh bắt đầu được truyền thông Việt Nam chú ý.
Trong làn sóng nhiều Việt kiều trở về Việt Nam thi đấu, Phạm Huy Tiến cũng nhận được những câu hỏi liên quan đến việc có muốn trở về quê cha chơi bóng hay không. Và câu trả lời của cầu thủ này khi đó rất quả quyết: “Tuy bố tôi là người Việt Nam, nhưng tôi thấy dòng máu Romania mạnh mẽ hơn trong con người mình. Tôi muốn được chơi bóng tại Romania, và một ngày nào đó sẽ có cơ hội được khoác áo ĐT Romania dự VCK World Cup”.
Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh phát biểu này của Florentin Phạm Huy Tiến. Có lẽ đó là một sự lựa chọn dễ hiểu với Phạm Huy Tiến. Anh sinh ra từ nhỏ ở Romania, tiếp thu văn hoá Romania mạnh mẽ hơn và không có lý do gì để mạo hiểm rời bỏ nó để đến một nơi mà anh xa lạ. Hơn nữa, sự nghiệp của Huy Tiến lúc đó đang khởi đầu thuận lợi khi khoác áo đội bóng lớn nhất Romania, có cơ hội tham dự Champions League và nếu mọi thứ thuận lợi thì có thể tiến xa ở bóng đá châu Âu.
Thế nhưng sau đó sự nghiệp cầu thủ này đã chững lại. Mùa giải 2014/2015 đó, anh không được vào sân ở Champions League như kỳ vọng. Trong suốt mùa giải ấy, anh cũng chỉ có 2 lần ra sân trên mọi đấu trường cho Steaua Bucuresti. Mùa bóng đó, Constantin Galca dẫn dắt Steaua giành cú đúp danh hiệu vô địch quốc gia và cúp quốc gia, thế nhưng Phạm Huy Tiến hoàn toàn lạc lõng trong kế hoạch của người thầy.
Kết thúc mùa bóng 2014/2015, ông Galca chia tay đội bóng thủ đô Romania để tới dẫn dắt Espanyol ở Tây Ban Nha, và Phạm Huy Tiến cũng rời Steaua đến Academica Clinceni ở giải hạng Hai theo dạng cho mượn để tìm kiếm cơ hội thi đấu. Tại đây anh cũng chỉ là cầu thủ dự bị và có vỏn vẹn 4 lần ra sân. Sau khi không thể giúp Clinceni thăng hạng, Huy Tiến trở lại Steaua nhưng phải chấp nhận xuống chơi ở đội hai để tích luỹ thêm kinh nghiệm.
Tuy nhiên, sự nghiệp của anh vẫn chưa hết lận đận, bởi ngay cả khi đã xuống đội hai, Phạm Huy Tiến vẫn trật vật trong việc tìm chỗ đứng. Hiện tại, Transfermarkt định giá cầu thủ này chỉ là 25.000 euro, tức là bằng 1/4 giá trị giai đoạn anh được định giá cao nhất. Bởi thế mà dù từng có thời điểm khoác áo các đội U17 và U19 Romania, thế nhưng con đường để cầu thủ sinh năm 1997 lên đội tuyển quốc gia Romania cũng như thi đấu ở World Cup đang ngày càng xa vời khi sự nghiệp của anh xuống dốc không phanh.
Sự lựa chọn của những cầu thủ gốc Việt
Như đã nói ở trên, suốt nhiều năm qua đã có không ít cầu thủ gốc Việt trở về quê cha đất mẹ để thi đấu cũng như tìm kiếm cơ hội. Điều đó có thể xuất phát từ sự gắn kết với quê hương, nhưng chắc chắn họ sẽ không về nếu không cảm thấy ở Việt Nam có một cơ hội để phát triển sự nghiệp, hoặc chí ít là đáp ứng cho họ những điều kiện về vật chất.
Trên VnBongda, hậu vệ Michal Nguyễn từng chia sẻ lý do chọn Air Force Central của Thái Lan sau khi chia tay Becamex Bình Dương: “Có một vài đội bóng ở Việt Nam cố gắng liên hệ với tôi. Tôi có suy nghĩ về họ, nhưng cuối cùng tôi chọn thi đấu ở Thái Lan. Tôi rất vui với quyết định này. Lí do bởi tôi muốn cố gắng đương đầu với thách thức mới, ở một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn Việt Nam. Giờ đây, tôi thấy giải VĐQG Thái Lan ở một đẳng cấp cao về mọi thứ: Sân vận động, sân cỏ, phương pháp tập luyện, tất cả chuyên nghiệp đến ngạc nhiên”.
Sự chuyên nghiệp và điều kiện phát triển là lý do quan trọng khiến nhiều cầu thủ gốc Việt vẫn ngại ngần trở về Việt Nam chơi bóng, nhất là khi nó kém hơn hẳn so với bóng đá châu Âu. Filip Nguyễn là một trường hợp điển hình.
Trong một chia sẻ với VnExpress, ông Nguyên Minh – bố của Filip Nguyễn cho biết: “Con tôi chưa thể có quốc tịch do còn thiếu thẻ cư trú. Muốn có thẻ này, Filip Nguyễn phải về Việt Nam. Nếu về thế, nó phải cách ly mất bao ngày, trở lại Slovan Liberec sẽ bị ảnh hưởng sự nghiệp. Nếu các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, họ đã giúp cấp thẻ cư trú ngay, con tôi bay về là nhận luôn.
VFF rất tử tế, hỗ trợ, nhưng không có quyền quyết việc quốc tịch. Tổ chức này chỉ có thể giới thiệu, rồi làm giấy xin, quyền quyết thuộc cơ quan khác. Tiếc rằng mọi chuyện không suôn sẻ nên Filip Nguyễn giờ chưa có quốc tịch, chưa thể cống hiến cho tuyển Việt Nam".
Quả thực dù có quyết tâm đến mấy nhưng việc phải trở lại Việt Nam dài ngày để có thẻ cư trú và đăng ký nhập tịch sẽ khiến Filip Nguyễn bị ảnh hưởng tới sự nghiệp vốn đang ổn định tại CH Czech. Đã có nhiều tin đồn cho rằng một số CLB tại V.League sẵn sàng chiêu mộ Filip Nguyễn và nhiều ý kiến cho rằng đó là cơ hội thuận lợi để anh có thể được cấp thẻ cư trú, qua đó tiến tới việc nhập tịch. Song, đây là một điều không thực tế, bởi thủ thành này đang có một sự nghiệp ổn định ở châu Âu với chất lượng chuyên môn cao hơn, đến V.League ở quãng thời gian đẹp nhất sự nghiệp chính là bước lùi với anh.
Những cầu thủ gốc Việt được đào tạo ở nước ngoài khó lòng mà thích nghi với điều kiện thi đấu ở trong nước. Điều này có thể xuất phát từ những lý do khác nhau như ngôn ngữ, văn hoá cũng như tiêu chuẩn của các nền bóng đá. Đó là chưa kể có rất nhiều những câu chuyện dở khóc dở cười ở hậu trường liên quan tới hợp đồng mà bạn sẽ khó tìm thấy ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Có những cầu thủ Việt kiều đã khẳng định được giá trị ở Việt Nam như Đặng Văn Robert, Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Adriano Schmidt nhưng cũng không có ít người chật vật như Johnny Nguyễn, Toni Lê Hoàng, Toni Lê Tuấn Anh.
Những trường hợp cầu thủ Việt kiều ở nước ngoài như Florentin Phạm Tiến Huy không hề thiếu. Tuy nhiên, để có thể chiêu mộ hiền tài trở về quê hương không phải điều đơn giản. Nó phải xuất phát từ cả hai phía: bản thân cầu thủ đó mở lòng với đất nước, nhưng từ phía chúng ta cũng cần có những cơ chế thích, đãi ngộ cũng như những điều kiện phát triển phù hợp để họ cảm thấy nó xứng đáng để làm bến đỗ cho sự nghiệp của mình.