Ngày 16/7, đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, cơ quan này vừa có tờ trình về việc chuyển đổi mô hình Thanh tra Xây dựng (cũ) thành mô hình tổ chức bộ máy Phòng Kiểm tra chuyên ngành (sau sáp nhập).
Trong tờ trình, Phòng Kiểm tra chuyên ngành thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM chuyển chức năng từ nhiệm vụ Thanh tra, thành Kiểm tra. Phòng được tổ chức thành 30 đội nghiệp vụ gồm 1 đội tham mưu - tổng hợp; 1 đội tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 1 đội kiểm tra hành chính; 5 đội kiểm tra cơ động; 21 đội kiểm tra chuyên ngành.

Tp.HCM chuyển đổi mô hình Thanh tra Xây dựng (cũ) thành phòng kiểm tra chuyển ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực mà Sở này đang phụ trách.
Với nhiệm vụ phân cấp, đối với 21 đội kiểm tra chuyên ngành thì Đội Kiểm tra chuyên ngành số 1 có chức năng xây dựng, triển khai và tham mưu triển khai, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm của Sở Xây dựng.
Bên cạnh đó, tổ chức Tham mưu kiểm tra chuyên đề về quy hoạch - kiến trúc, giao thông vận tải và xây dựng (diện rộng). Báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành quy định nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành và lĩnh vực.
Ngoài ra sẽ theo dõi, tổng hợp thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra và quyết định xử lý sau thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thành lập.
Với đội Kiểm tra chuyên ngành số 2 (phụ trách đường thủy nội địa) sẽ có chức năng tham mưu kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất chuyên đề về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Xử lý vi phạm hành chính, tham mưu giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân theo địa bàn phục trách…
Các đội kiểm tra chuyên ngành số 3 đến số 21 (19 đội) thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tại 168 xã, phường và đặc khu về quy hoạch - kiến trúc, giao thông vận tải và xây dựng (các công trình do UBND cấp xã cấp giấy phép xây dựng).

Nhiều vi phạm trật tự xây dựng sẽ được kiểm tra xử lý.
Ngoài ra, sẽ có nhiệm vụ quản lý và phối hợp quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền. Kiểm tra công trình các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản. Quản lý, sử dụng công sở, vật liệu xây dựng.
Bên cạnh, đó các đơn vị có chức năng nhiệm vụ kiểm tra hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.
Đồng thời, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ cho người điều khiển phương tiện giao thông và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải theo phân cấp.
Theo tờ trình, Phòng Kiểm tra chuyên ngành là 909 biên chế công chức và 45 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022. Trong đó, Thanh tra Sở Xây dựng Tp.HCM (trước hợp nhất) hiện có 785 biên chế công chức, 29 hợp đồng lao động.
Phòng tiếp nhận 102 biên chế công chức, 2 hợp đồng lao động của Đội Thanh tra xây dựng Tp.Thủ Đức. Bên cạnh đó, tiếp nhận 21 biên chế và 14 hợp đồng lao động của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.
Phùng Sơn