Gần 7 triệu người Việt Nam đối diện với nguy cơ mắc sốt rét

Thứ 4, 22/03/2023 15:59

Trong năm 2022, Việt Nam đã có 455 bệnh nhân sốt rét, trong đó có một trường hợp tử vong.

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức PATH tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2022; triển khai kế hoạch năm 2023 khu vực miền Bắc; thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam.

Đây là hoạt động hướng đến mục tiêu thông qua truyền thông, vận động chính sách, đảm bảo tài chính bền vững cho việc loại trừ sốt rét, phòng, chống sốt rét quay trở lại và cập nhật biện pháp mới, hiệu quả điều trị sốt rét.

img

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương (áo xanh thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế và lãnh đạo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tại hội nghị.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương năm 2022 có 6 tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Huế, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, nâng tổng số địa phương loại trừ sốt rét lên 42 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên hiện bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với gần 7 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Viện trường Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nguy cơ dịch sốt rét quay trở lại là rất lớn nếu không có những biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời.

Sốt rét chủ yếu tại vùng người dân, đồng bào dân tộc ít người, lao động thời vụ tại các nương rẫy, còn có thói quen "đi rừng, ngủ rẫy", người dân chưa có ý thức phòng, chống bệnh. Trong năm 2022 đã có 455 bệnh nhân sốt rét, trong đó có một trường hợp tử vong.

img

Ông Hoàng Đình Cảnh, Viện trường Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Trong khi đó, tình trạng sốt rét kháng thuốc, sốt rét biên giới, di biến động dân, muỗi kháng hóa chất, nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống và loại trừ sốt rét còn hạn hẹp gây khó khăn trong phòng chống sốt rét.

Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét năm 2030, chúng ta cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Giám sát vùng sốt rét có nguy cơ, phát hiện sớm, điều trị sớm cho người bệnh; giám sát véc tơ truyền bệnh và phòng muỗi đốt…

Tại Hội nghị, chuyên gia quốc tế đã trình bày nội dung về việc điều trị tiệt căn P.vivax sử dụng thuốc Tafenoquine liều duy nhất.

Theo chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã tiến rất gần đến mục tiêu loại trừ sốt rét. Tuy nhiên, cũng giống như một vận động viên chạy marathon, chặng đường cuối cùng để loại trừ luôn là chặng đường khó khăn nhất. Ví dụ như ở Buhtan, mặc dù số ca mắc sốt rét chỉ còn 40-50 ca/năm đã 10 năm nay, nhưng vẫn chưa thể loại trừ vì vấn đề sốt rét P.vivax dai dẳng, có thể ngủ trong gan và vấn đề tuân thủ điều trị. Do đó, rất cần áp dụng các công cụ và các can thiệp mới hiệu quả.

img

Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về việc nghiên cứu và ứng dụng thuốc Tafenoquine một liều duy nhất để điều trị tiệt căn sốt rét P.vivax. Loại thuốc này có thể giúp giải quyết vấn đề khó tuân thủ điều trị khi sử dụng phác đồ Primaquine 14 ngày hiện nay và có thể là một giải pháp khả thi để đẩy nhanh việc loại trừ sốt rét P.vivax tại Việt Nam.

Đến nay, Tafenoquine đã được cấp phép ở nhiều quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ và Úc; Thẩm định WHO và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đối với Tafenoquine có thể sẽ có vào cuối năm 2023, đầu năm 2024; Nghiên cứu tính khả thi đối với Tafenoquine đã hoàn thành tại Brazil và cho các kết quả tích cực và đang triển khai tại Thái Lan.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường vận động chính sách bảo đảm kinh phí cho các hoạt động, đảm bảo chế độ hỗ trợ nhân viên y tế; tăng cường nghiên cứu, áp dụng biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả trong phòng bệnh, phát hiện, điều trị.

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần đánh giá độ nhạy cảm của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết đối với một số hóa chất diệt côn trùng; xây dựng danh mục các kỹ thuật xét nghiệm côn trùng cho các tuyến; xây dựng bản đồ phân bố muỗi, bản đồ kháng hóa chất của muỗi Anopheles, Aedes.

Đối với các bệnh ký sinh trùng, cần hoàn thiện chính sách, tổ chức hệ thống phòng, chống, tăng cường đào tạo, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế….

DIỆU THU

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.