Tại hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” diễn ra đầu tháng 7/2016 tại Hà Nội, trong bài tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí cho biết: Hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 100.000 người có thể đọc hiểu được câu đối chữ Hán trong khi dân số nước ta là trên 90 triệu. Vậy nên việc sử dụng văn tự Hán Nôm cho các câu đối, hoành phi tại các địa điểm văn hóa sẽ khó tiếp thu và khó truyền đạt ý nghĩa.
Từ nhận định đó ông cho rằng câu đối, hoành phi ở các địa điểm chùa chiền nên được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Ông đưa ra một đề xuất là có thể hạ các hoành phi câu đối bằng chữ Hán Nôm xuống chuyển vào các bảo tàng, đưa các hoành phi, câu đối mới chép lại chính những nội dung đó lên, nhưng được ghi bằng chữ quốc ngữ để thay thế. Ngoại trừ những các hoành phi câu đối Hán Nôm liên quan đến hồ sơ gốc của di tích đã có danh hiệu thì mới giữ nguyên.
Ý kiến này của PGS-TS Nguyễn Tá Nhi ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều và cả những băn khoăn về sự thay đổi đó nếu có thì sẽ như thế nào, hiệu quả ra sao. Bởi thực tế xét về mặt lịch sử, chữ quốc ngữ vẫn là ngôn ngữ mới so với văn tự Hán Nôm. Văn tự Hán Nôm cổ thì ngắn gọn, xúc tích, ý nghĩa sâu xa không thể một sớm một chiều thay đổi hay thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa nội dung.
Chữ quốc ngữ trên cổng chùa Quán Sứ - Hà Nội
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh, Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam. GS Thịnh cho biết: “Trước kia tôi cũng đã nói về sự thay đổi văn tự Hán, Nôm và chữ quốc ngữ tại các đền chùa. Theo tôi sự thay đổi này là không nên. Có nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ văn tự Hán Nôm giống chữ Trung Quốc, điều này không ai có thể phủ nhận bởi thực tế lịch sử phát triển của dân tộc ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa vă