Câu chuyện kỳ lạ của nhà thơ Mỹ 'mê' nước mắm Việt

Câu chuyện kỳ lạ của nhà thơ Mỹ 'mê' nước mắm Việt

Thứ 5, 07/02/2013 | 11:12
0
Một người nào đó đã từng nói: "Những nhà văn, nhà thơ không bao giờ là kẻ thù của nhau vì trong trái tim họ luôn mang nặng tình yêu thương con người". Đối với Bruce Weigl cũng vậy. Đã có quá nhiều mỹ danh dành cho ông, từ vị giáo sư nghệ thuật đầy khả kính, vị "đại sứ nước mắm người Mỹ" đến lão cựu binh hàn gắn vết thương chiến tranh... nhưng ông vẫn thích mọi người gọi mình bằng cái tên dân giã: Nhà thơ của người Việt. Ông đã từng thốt lên rằng: "Tôi không biết tại sao tôi không phải là người Việt Nam. Đôi lúc tôi cảm thấy tôi là người Việt, hoặc tôi đã từng một lần sống cuộc đời của một người Việt"...

Học làm thơ từ người Việt

"Sau cơn bão, sau cơn mưa thôi ào ạt, chúng mình đứng ở cửa nhìn đàn ngựa thong thả trên đồi cỏ; Qua tấm rèm đen, tầm nhìn bị khoảng cách thay đổi, vì thế dường như anh thấy màn sương vó ngựa khuấy lên, khi chúng chìm dần, như những con ngựa, bị cắt rời khỏi thân thể chúng ta...". Bruce mở đầu chủ đề văn thơ với chúng tôi nhẹ nhàng bằng những vần thơ trong "Bài hát bom Na-pan" mà ông nói rằng mình sáng tác để tặng vợ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được một người Mỹ đọc cho nghe những vần thơ bằng tiếng Anh. Thiết nghĩ, với vốn ngoại ngữ khiêm tốn của mình, tôi chẳng thể hiểu hết được những ý nghĩa sâu xa trong từng lời thơ nhưng tôi cảm nhận được một điều, đằng sau giọng đọc trầm lắng, nơi sâu thẳm trong trái tim Bruce, ông đang vô cùng xúc động.

Bruce nói: "Chắc các bạn băn khoăn tại sao tôi lại chọn nhan đề bài thơ là "Bài hát bom Na-pan?". Cô bạn đi cùng tôi khẽ cười đồng ý. Bruce hỏi lại chúng tôi: "Chắc các bạn không lạ gì bức hình "Em bé Na-pan". Hình ảnh thực sự khiến cả thế giới bừng tỉnh khi cô gái nhỏ bé bị cháy hết quần áo, trong khi da thịt trên lưng vai bé đang rụng dần vì phỏng độ 3".

Chúng tôi tò mò muốn hỏi cảm nhận của Bruce về cuộc chiến đã qua nhưng người bạn đi cùng nháy mắt ra hiệu: "Đừng hỏi nhiều về chiến tranh, ông ấy không muốn nhớ lại ký ức đau thương đó đâu". Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, Bruce nói: "Oh. Don't worry!". Rồi ông bắt đầu kể: "Vào chiều 8/6/1972, những chiếc máy bay chiến đấu của không quân đã thả những loạt bom xuống mép ngôi làng, bao gồm cả bom Na-pan. Bom na-pan có địa ngục của riêng nó, và địa ngục đó là một phần trong câu chuyện này. Chắc hẳn lúc đó "Em bé Na-pan" Kim Phúc đang ở cùng gia đình của cô. Đó chắc hẳn là một ngày hè cô được nghỉ học...". Gương mặt người lính già biến sắc, có lẽ trong sâu thẳm trái tim ông đang rất xúc động: "Thời gian và khoảng cách địa lý không có nghĩa gì bởi vì câu chuyện này luôn luôn sống bên trong chúng ta, đằng sau đôi mắt đã nhắm lại của chúng ta".

Bruce kể tiếp: "Bản thân tôi cũng bị ung thư bởi chất độc da cam do chính người Mỹ chúng tôi rải xuống. "Bài hát về bom Na-pan" giúp người Mỹ hiểu thêm về sự khủng khiếp của chiến tranh, đặc biệt là sự hủy diệt của chất độc da cam. Khi tôi xuất bản tập thơ này, mọi người hỏi rằng, tại sao một câu chuyện khủng khiếp như vậy lại đặt tên là "bài hát". Tôi trả lời: "Chúng ta có thể hát về hạnh phúc thì chúng ta cũng có thể hát về nỗi khổ đau. Tôi muốn mọi người nhớ nỗi đau này mỗi khi nhắc đến chiến tranh".

Nhân vật - Câu chuyện kỳ lạ của nhà thơ Mỹ 'mê' nước mắm Việt

Bruce và Trung Trung Đỉnh ngoài lề cuộc hội thảo văn học tại Mỹ.

Từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968, ông đã có những trải nghiệm kinh hoàng của chiến tranh. Thế giới thơ Bruce ám ảnh không nguôi: "Tôi nghe tiếng thét của những đứa trẻ/Bị bom nổ tung thành nhiều mảnh/Những quả bom được chỉ dẫn chính xác vào một căn phòng/Trong ngôi nhà bên cạnh/Ở đó có một "mục tiêu" đã sống/Hoặc không sống; Vậy đó!" (Bộ phim). "Những đứa trẻ ngủ giấc ngủ của chiến binh mệt mỏi/Bị vùi dập, bị bỏ mặc trong hư không trong những cái chết cô đơn/Những cái chết đến thật chậm, rút trái tim chúng ta khô máu" (Cửa ngõ).

Bản thân Bruce lớn lên trong một gia đình lao động nghèo của nước Mỹ, chẳng có sách vở, âm nhạc, cũng chưa bao giờ ông quan tâm đến văn chương. Ở trường đại học, Bruce học một chuyên ngành khác nhưng đến khi có lớp về văn học, thầy giáo ra đề bài yêu cầu viết một "real poem", thể loại nửa văn xuôi, nửa thơ. Bruce đã chọn đề tài về cuộc chiến mà ông từng trải qua. Ông miêu tả trong bài thơ của mình, phía trên bầu trời là một chiếc chiến đấu cơ, còn phía dưới là những người đi chân đất, đạp xe đạp. Một hình ảnh tương phản rất lạ lùng. Đọc xong bài thơ của Bruce, thầy giáo vô cùng ngạc nhiên và khuyến khích ông sang học lớp văn học. Từ đó, Bruce bắt đầu làm thơ, ông không chỉ khai thác đề tài chiến tranh mà viết tất cả những gì liên quan đến cuộc sống, con người Việt Nam hiện đại.

Cuộc gặp trên mặt trận "không tiếng súng"

Ít người biết rằng, Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Tập thơ "Bài hát bom Na-pan" của ông từng được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của viện Thi ca Mỹ, Giải thưởng Thơ Paterson, Giải thưởng của Quỹ Phát triển Nghệ thuật Quốc gia và Quỹ Yaddo, Giải thưởng Pushcart và Giải thưởng văn học Lannan. Nhưng có lẽ, tình cảm của bạn đọc Việt Nam dành cho thơ ông là phần thưởng cao quý nhất.

Trong buổi trò chuyện gần 2 tiếng, Bruce cũng kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về những cuộc gặp gỡ của những nhà thơ, nhà văn từng ở hai đầu chiến tuyến. Năm 1993, Bruce trở lại Việt Nam, những nhà văn người Việt và Mỹ gặp nhau lần đầu tiên. Đó là một buổi tối mùa hạ với rất nhiều bất ngờ, các nhà văn từng là cựu chiến binh từ hai phía ôm nhau như những người bạn, chuốc rượu nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm ngày xưa... Bruce xuất hiện trong bộ sơ mi lịch lãm, ông quay sang nhà văn Bảo Ninh: "Ông tham gia chiến tranh trước tuổi phải không? Nhìn này, ông trẻ hơn tôi rất nhiều". Rồi Bruce hài hước ghé sát đầu mình vào đầu Bảo Ninh, để cho mọi người so sánh tóc ai bạc hơn ai. Tất cả mọi người phá lên cười, rồi ồn ã tranh luận ai trẻ hơn ai và ai tham gia chiến tranh sớm hơn. Ông liến thoắng sẻ chia vốn liếng tiếng Việt của mình, rồi khi đã hết vốn, ông sử dụng những điệu bộ chân tay.

Sau cuộc gặp, Bruce "khoe" đã quen biết rất nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng, sau này trở thành bạn bè trên văn đàn như Nguyễn Quang Thiều, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật... Nhà thơ Hữu Thỉnh sau đó cũng giúp đỡ Bruce rất nhiều và mời ông tham gia vào đời sống văn học Việt Nam. "Mọi người chưa bao giờ giận tôi vì quá khứ tôi từng tham chiến ở Việt Nam. Cuộc chiến đau thương đó đã kết thúc từ rất lâu rồi, giờ chỉ còn tình yêu thương và những vần thơ", Bruce chia sẻ.

Gần đây nhất, Bruce gặp mặt nhà thơ Trung Trung Đỉnh, giám đốc NXB Hội nhà văn Việt Nam. Ông chia sẻ: "Đó là một kỷ niệm đặc biệt". Bruce từng gặp Trung Trung Đỉnh ở Mỹ nhiều năm trước nhưng hai người chưa một lần nói chuyện với nhau. Cho đến khi sang Việt Nam, Bruce có một bài thơ viết về trận đánh An Khê (thuộc tỉnh Gia Lai - PV), nơi ông từng tham chiến. Đọc xong, Trung Trung Đỉnh bảo: "Tôi cũng chiến đấu ở An Khê". Bruce hỏi: "Giáng sinh năm 1967 ông ở đâu?". Nhà văn người Việt nói: "Tôi cũng ở chỗ các ông". Bruce ngạc nhiên hỏi tiếp: "Lúc đó các ông làm gì?". "Chúng tôi theo dõi các ông, hai bên ở rất gần nhau"... Rồi câu chuyện của chúng tôi như hai dòng sông chảy xuyên qua những ngọn núi cao, những vực sâu thẳm để hoà quyện lại thành một. Chúng tôi bắt đầu cùng nhau quay về lại An Khê, cả về không gian và thời gian".

Kể từ sau lần gặp gỡ tình cờ đó, hai người trở lên vô cùng thân thiết. Xin mượn lời dịch của dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai để nói về cuộc gặp này: "Tạm biệt Trung Trung Đỉnh, tôi nắm chặt tay anh và nhìn sâu vào mắt anh. Trong bao lần chúng tôi gặp nhau, anh luôn tạm biệt tôi bằng nụ cười hiền hậu. Nhưng đằng sau nụ cười hiền ấy là một tài năng văn chương của Việt Nam. Anh đã viết mười hai tiểu thuyết và tập truyện ngắn bằng những đau đớn của sự trải nghiệm và tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Hôm nay, tôi cũng nhận ra rằng, đằng sau nụ cười hiền hậu của Trung Trung Đỉnh, cũng là bao câu chuyện của lịch sử, những câu chuyện cần được cả thế giới lắng nghe".               

“Tôi đã khóc khi nghe những bài thơ đó”

Bruce kể, ngày còn chiến tranh, khi tiếp cận với đối phương, việc đầu tiên là thu giữ những giấy tờ, tài liệu có trên người họ. Số tài liệu này sau đó được chuyển lên các bộ phận chức năng làm nhiệm vụ phân tích để tìm ra bí mật của phía bên kia. Sau này khi chiến tranh kết thúc, Bruce đã đến các trung tâm lưu trữ tìm xem những tài liệu kia viết những gì, và ông bất ngờ khi một người biết tiếng Việt nói rằng trong những cuốn sổ kia, những người lính Việt cộng làm thơ, viết nhật ký... bài thơ được nhiều người chép nhất trong sổ tay là "Núi đôi" của Vũ Cao. Đấy cũng là lúc ông bất ngờ hiểu rằng những người Việt yêu thơ, làm thơ nhiều thế nào... "Tôi đã khóc khi nghe những bài thơ đó", Bruce nhớ lại.     

 (Còn nữa)

Anh Đức - Thanh Xuân

Nhà thơ hàng đầu của Mỹ say đắm... nước mắm Việt Nam

Thứ 5, 31/01/2013 | 08:07
Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ. Mọi người cũng thường gọi ông bằng cái tên thân thuộc "Đại sứ nước mắm" vì "mối tình" đặc biệt của ông với sản vật đất Việt này.