Gặp người bắt sống tướng De Castries

Gặp người bắt sống tướng De Castries

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Những ngày đầu tháng năm lịch sử, chúng tôi về thăm người chiến sỹ Cách mạng trung kiên Đào Văn Hiếu. Ông chính là người đã tham gia bắt sống tướng De Castries (Đờ cát xtơry), trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Giờ đây, ông Hiếu đang sinh sống tại xóm 8, xã Nga Hưng, Nga Sơn (Thanh Hóa).

Năm nay, ông Hiếu đã gần tuổi “bát thập”, nhưng vẫn hoạt bát và minh mẫn kể lại cho chúng tôi nghe thời khắc tạo nên “thiên sử vàng” vào chiều ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954. Trong lúc trò chuyện, ông luôn nhắc đến đồng đội như: Đồng chí Tạ Quốc Luật (quê ở xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình); Hoàng Đăng Vinh (quê ở Phù Tiên, Hưng Yên); Bùi Văn Nhỏ (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) và Nguyễn Văn Lam (quê Nghệ An).

Ông Hiếu hồi tưởng lại: “Năm 1948, tôi tham gia đội du kích xã Nga Hưng, đến tháng 8- 1950, tôi được nhập ngũ vào Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 và được tham gia Chiến dịch Biên giới (năm 1950), sau đó là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tôi có may mắn tham gia từ những ngày đầu mở màn chiến dịch, trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu, đánh chiếm Đồi 70, chọc thủng hàng phòng ngự vòng ngoài của đối phương, cản phá các đợt phản công của địch từ Him Lam đánh ra, nhằm tái chiếm các cứ điểm bị mất.

Ông Đào Văn Hiếu (bìa trái) và ông Hoàng Đăng Vinh gặp nhau năm 1999

Tiếp đó, đơn vị tôi tham gia bao vây, đào hào ép sát trận địa tiêu diệt địch ở cứ điểm Him Lam. Tôi bị thương nhẹ trong lần đơn vị tấn công Đồi D2 nhưng vẫn không rời trận địa. Sau thời gian ngắn được điều trị tại quân y tiền phương, tôi tham gia đợt III - Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh chiếm các cứ điểm bố phòng của địch trên cánh đồng Mường Thanh, như: Đồi 105A, 105B, đồi 108.

Đúng 8 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, Tiểu đoàn 130 do đồng chí Thăng Bình chỉ huy được lệnh tập trung tại Đồi 105 để nghe phổ biến phương án tác chiến đánh chiếm Mường Thanh. Mười hai giờ trưa cùng ngày, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công Mường Thanh, nơi đặt trụ sở chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ. Đơn vị của tôi sau khi chiếm giữ Đồi 503B đã thừa thắng tiến đánh Đồi 209.

Trận chiến đấu trước sào huyệt cuối cùng của địch ở Điện Biên diễn ra ác liệt. Ta với địch giành nhau từng tấc đất. Hỏa lực của pháo binh ta đã kịp thời yểm trợ để bộ đội tiêu diệt địch làm chủ chiến trường. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của đơn vị tôi đã ngã xuống trước giờ toàn thắng. Sau khi đánh chiếm Đồi 360 của địch, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật ra lệnh cho cán bộ, chiến sỹ vượt lên khỏi hào tiến về hướng Tây tiêu diệt các ổ đề kháng và tấn công vào hầm chỉ huy của địch. Lúc đó, Đại đội của tôi chỉ còn 5 người: Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và tôi (tức Đào Văn Hiếu). Đại đội trưởng Luật phân công tôi và đồng chí Nguyễn Văn Lam đánh bịt cửa hầm phía Bắc; còn các đồng chí Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ đánh bịt cửa hầm phía Nam.

Tại hai cửa hầm này có hai ụ súng của lính bảo vệ. Lúc ấy khoảng 17 giờ (ngày 7/5/1954), sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ của địch ở phòng ngoài sát cửa ra vào, tôi cùng đồng đội vượt qua gian hầm thứ 2 và tiến vào gian hầm giữa khá rộng có tướng Đờ Cát và các sĩ quan Pháp đang ở đấy. Khi vào phòng, tôi thấy một số sĩ quan Pháp đang đốt tài liệu, số thì ngồi trên ghế trước sơ đồ tác chiến, ai nấy đều run rẩy, bất ngờ, mặt tái mét. Nghe tiếng hô "bỏ súng xuống, giơ tay lên! " bằng tiếng Pháp và những họng súng đang chĩa về phía mình thì tướng Đờ Cát và đám sĩ quan lục tục bỏ súng xuống bàn. Đồng chí Tạ Quốc Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp, đại ý: "Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội không cho máy bay ném bom xuống Điện Biên nữa”. Sau đó, tôi và đồng đội dẫn giải bọn chúng lên khỏi hầm, đi khoảng vài chục mét về phía cầu Mường Thanh rồi bàn giao cho đồng chí Thăng Bình- Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 130 cùng đoàn quân chiến thắng vừa tiếp quản trận địa.

Ông Đào Văn Hiếu đang kể lại thời khắc lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Niềm vui của 5 anh em chúng tôi không tả xiết. Đi dọc cánh đồng Mường Thanh, các vùng lòng chảo Điện Biên hôm đó ngổn ngang vũ khí, khí tài của địch bỏ lại. Và lớp lớp những đoàn quân chiến thắng của ta hừng hực cuốn đi trong niềm vui khôn xiết. Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Ông Hiếu tham gia quân ngũ đến năm 1972 thì xuất ngũ về địa phương và mang trong mình thương tật (hạng 3/4). Sau khi về quê, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, lúc làm bí thư chi bộ thôn, khi làm chủ tịch cựu chiến binh xã Nga Hưng... Những năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, ông xin nghỉ làm việc xã hội để an dưỡng tuổi già.

Trước lúc chia tay, chúng tôi được ông cho xem tấm Huân chương chiến công do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng Đào Văn Hiếu (năm 1955) vì đã có thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, ông còn được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng nhất, nhì, ba); Huy chương chiến thắng hạng nhất; Huy chương kháng chiến chống Pháp; Huân chương kháng chiến chống Mỹ và nhiều phần thưởng khác. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, hơn 50 tuổi Đảng, Cựu chiến binh Đào Văn Hiếu thật tự hào, vinh dự khi mình là người được tham gia bắt sống tướng Đờ Cát vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954.

Thái Dương