Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới

Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới

Nguyễn Thị Tuyết

Nguyễn Thị Tuyết

Thứ 2, 19/09/2022 08:23

Khát khao chinh phục liên tục thôi thúc vị tỷ phú thực hiện những bước đi táo bạo, tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới và mở rộng đế chế của mình ra toàn cầu.

Có một doanh nhân người Ấn đã không ngừng làm xáo trộn các bảng xếp hạng tỷ phú thế giới trong thời gian qua.

Ông vừa mới đánh bại Chủ tịch tập đoàn Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 147 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

Điều đặc biệt là ông mới chỉ vươn lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng này hồi cuối tháng 8, sau khi trở thành người giàu nhất châu Á hồi tháng 2.

Vị tỷ phú ấy chính là Gautam Adani, ông chủ tập đoàn Adani (Adani Group). Tên tuổi của ông tràn ngập khắp các mặt báo những ngày vừa qua, và khối tài sản khổng lồ của ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, thông tin về đời tư của ông lại hiếm khi được chia sẻ.

Bài viết này sẽ chia sẻ thêm với độc giả những thông tin về ông chủ tập đoàn Adani và hành trình đi đến thành công của ông.

Thế giới - Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới

Thông tin sơ lược về tỷ phú Gautam Adani

Hành trình đặt nền tảng cho bến cảng lớn nhất Ấn Độ

Trong một chuyến tham quan cảng Kandla (bang Gujarat, Ấn Độ) do nhà trường tổ chức, cậu bé Gautam Adani bị choáng ngợp bởi quy mô khổng lồ của cảng biển này. Cậu tự hứa với bản thân sẽ xây dựng một cảng biển có quy mô tương tự khi cậu lớn lên.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Gautam Adani quyết định theo học ngành Thương mại tại Đại học Gujarat, nhưng anh đã bỏ ngang khi mới chỉ học xong năm thứ hai.

Cha của anh có một công ty dệt may, nhưng anh lại không hề có ý định nối nghiệp cha, dù rất hứng thú với việc kinh doanh. Trong một dịp tình cờ, anh nghe nói phía Tây thành phố Mumbai có một vùng ngoại ô sầm uất thu hút rất nhiều người dân từ Gujarat tên là Borivali. Năm 1978, chàng thanh niên quyết định đến đây với hi vọng tìm kiếm vận may, dù chỉ có vài trăm rupee trong túi.  

Ở Borivali, anh xin vào làm ở một tổ máy phân loại kim cương tại Công ty Mahendra Brothers. Sau vài năm, anh quyết định thành lập công ty môi giới kim cương của riêng mình ở Zaveri Bazar, thành phố Mumbai.

Nhờ việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió, anh nhanh chóng trở thành triệu phú ở độ tuổi 20. Năm 1981, anh trai anh là Mansukhbhai Adani mua một công ty nhựa ở Ahmedabad và nhờ anh làm quản lý. Anh quyết định trở về để giúp đỡ anh trai.

Công ty nhựa này chính là cầu nối để chàng trai trẻ bắt đầu giao dịch toàn cầu thông qua việc nhập khẩu nhựa PVC, nguyên liệu chính để sản xuất nhựa, bắt đầu từ năm 1985.

Khát khao kinh doanh không ngừng thôi thúc anh làm nên điều gì đó to lớn hơn. Năm 1988, anh đứng ra thành lập doanh nghiệp của riêng mình mang tên Adani Exports, chuyên kinh doanh xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng.

Năm 1991, người sáng lập Adani Exports đứng trước một cơ hội lớn khi Ấn Độ bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế. Với sự nhạy bén của mình, anh nhanh chóng mở rộng mô hình kinh doanh sang sản xuất và truyền tải điện, kinh doanh và khai thác than, phân phối khí đốt, thăm dò dầu khí, cảng biển.

Năm 1993, doanh nhân Adani nắm được thông tin chính quyền bang Gujarat muốn mời các công ty tư nhân điều hành Cảng Mundra. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để hoàn thành ước mơ mà ông hằng ấp ủ, Gautam Adani quyết tâm giành được hợp đồng này.

2 năm sau, ông lấy được hợp đồng về tay, dù khu cảng này vẫn do Công ty Cảng và Đặc khu Kinh tế Mundra vận hành. Sau đó, mọi hoạt động của cảng đã được chuyển giao cho Công ty Cảng và Đặc khu Kinh tế Adani (APSEZ) mà ông sở hữu.

Dưới sự điều hành của ông Adani, cảng Mundra dần trở thành cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ, với khả năng xếp dỡ gần 210 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tập đoàn Adani cũng là nhà khai thác nhiều cảng tư nhân lớn nhất của Ấn Độ, còn tỷ phú Adani được gọi là ông trùm hạ tầng.

Thế giới - Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới (Hình 2).

Cảng Mundra là cảng tư nhân lớn nhất ở Ấn Độ. Ảnh: Wavesight

“Có hai bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Đầu tiên là năm 1985, khi chính phủ nới lỏng cơ chế giấy phép nhập khẩu thông thường không hạn chế, tự do, công khai (OGL) cho người dùng thực tế. Nhờ đó, tôi bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu thô - polymer - và bắt đầu kinh doanh. Bước ngoặt thứ hai đến vào năm 1995, khi chúng tôi quyết định tham gia vào lĩnh vực cảng biển. Đây một phần trong chiến lược tổng thể nhằm xây dựng tài sản cho tập đoàn của chúng tôi”, ông Adani cho biết.

Những bước đi táo bạo

Doanh nhân Gautam Adani chính thức trở thành tỷ phú vào năm 2008, 20 năm sau khi ông thành lập công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của mình. Khát khao chinh phục liên tục thôi thúc ông thực hiện những bước đi táo bạo để tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới và mở rộng đế chế ra toàn thế giới.

Đầu tiên, ông quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh điện năng với việc thành lập công ty Adani Power vào năm 1996, ngay sau khi tiếp quản cảng Mundra. Với một nhà máy nhiệt điện có công suất 4620 MW, Adani Power hiện là nhà sản xuất nhiệt điện và điện mặt trời tư nhân lớn nhất Ấn Độ.

Không những thế, vị tỷ phú 60 tuổi còn thâu tóm Group mỏ than Carmichael ở Queensland và cảng Abbot Point ở Úc trong thời gian 3 năm, từ 2009 đến 2012.

Tập đoàn của ông hiện cũng đang trong quá trình hoàn tất việc mua lại nhà sản xuất xi măng Thụy Sĩ Holcim Group chi nhánh Ấn Độ với mức giá 10,5 tỷ USD. Thương vụ này sẽ giúp Adani Group trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai Ấn Độ.

Dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, tập đoàn Adani vẫn tham gia nhiều cuộc đấu thầu và giành chiến thắng, trở thành nhà điều hành sân bay tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Tháng 9/2020, tập đoàn này thành công mua lại 74% cổ phần của Sân bay Quốc tế Mumbai, sân bay bận rộn thứ hai của quốc gia này.

Một trong những lĩnh vực trọng tâm mà tập đoàn Adani đang theo đuổi là năng lượng tái tạo. Năm ngoái, tỷ phú Adani cam kết sẽ đầu tư 70 tỷ USD vào năng lượng xanh để trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Ông hiện đang huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện cam kết này.

“Sự kết hợp của năng lượng mặt trời, năng lượng gió cùng với hydro xanh mở ra một chân trời mới cho Ấn Độ”, ông Adani phát biểu tại Hội nghị Kinh tế Ấn Độ hồi tháng 4/2022.

Tham vọng của vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới vẫn chưa dừng ở đó. Ngày 23/8/2022, Adani Group cho biết đơn vị truyền thông của họ sẽ mua phần lớn cổ phần của New Delhi Television Ltd (NDTV), một trong những tập đoàn truyền thông đa nền tảng nổi tiếng nhất Ấn Độ.

Công ty AMG Media Networks, một công ty con mới được tập đoàn Adani thành lập đầu năm 2022 nhằm lấn sân lĩnh vực xuất bản và phát sóng, đã gián tiếp mua 29,18% cổ phần của NDTV và đang đề nghị mua thêm 26% cổ phần khác.

Thế giới - Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới (Hình 3).

Công ty con của tập đoàn Adani đã gián tiếp mua 29% cổ phần của NDTV. Ảnh: Onmanorama

“Việc mua lại NDTV đánh dấu một cột mốc quan trọng của chúng tôi nhằm mở đường cho các phương tiện truyền thông đa nền tảng thế hệ mới. Với vị trí hàng đầu về tin tức và phạm vi tiếp cận đa dạng và mạnh mẽ trên các thể loại và khu vực địa lý, NDTV là nền tảng kỹ thuật số và phát sóng phù hợp nhất để thực hiện theo tầm nhìn của chúng tôi”, ông Sanjay Pugalia, Giám đốc điều hành AMG Media Networks cho biết. 

Từ một công ty xuất nhập khẩu quy mô nhỏ, Adani Group nay đã là một tập đoàn lớn với 7 thành viên trụ cột, bao gồm Adani Enterprises (kinh doanh bao trùm hầu hết các lĩnh vực của tập đoàn), Adani Green Energy (năng lượng tái tạo), Adani Ports & SEZ (cảng biển và logistics), Adani Transmission (truyền tải và phân phối điện năng), Adani Total Gas (phân phối khí đốt), Adani Power (nhiệt điện), Adani Wilmar (dầu ăn và thực phẩm). Ngoài ra, tập đoàn Adani còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như bất động sản và dịch vụ tài chính.

“Tăng trưởng cùng lòng tốt”

Trong một bài phỏng vấn với báo chí, tỷ phú Adani bảo rằng có một câu thần chú hướng giúp ông đi tới thành công. Suốt cuộc đời mình, ông chỉ cố gắng làm việc mà không bị ám ảnh bởi suy nghĩ mình phải đạt được điều gì đó.

Là một doanh nhân thế hệ đầu tiên, vị tỷ phú làm việc với triết lý cốt lõi là “Tăng trưởng cùng lòng tốt” (Growth with goodness), và với tầm nhìn đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ông Adani tâm niệm, xây dựng quốc gia có nghĩa là làm thay đổi bờ biển của Ấn Độ bằng cách xây dựng một chuỗi các cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần; tăng cường an ninh năng lượng của đất nước và giảm thiểu sự phân chia thành thị - nông thôn bằng cách cung cấp điện cho hàng trăm triệu người sống ở vùng nội địa của Ấn Độ; đồng thời tăng cường an ninh lương thực bằng cách xây dựng một chuỗi cung ứng nông nghiệp hiện đại và trao quyền cho nông dân. Ông đã góp phần tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm ở quê hương mình.

Thế giới - Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới (Hình 4).

Ông Gautam Adani và vợ, bà Priti Adani. Ảnh: The News Minute

Mặc dù thành công như một ngôi sao băng, nhưng tỷ phú Adani luôn là người khiêm tốn. Cùng với vợ của mình, bà Priti Adani, ông đã tham gia vào rất nhiều hoạt động từ thiện thông qua Quỹ Adani (Adani Foundation), được duy trì với 3% lợi nhuận của tập đoàn Adani. 

Hoạt động của Quỹ chủ yếu liên quan đến giáo dục, sinh kế bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho người nghèo ở Gujarat và một số bang khác của Ấn Độ. Quỹ này cũng hỗ trợ khoảng 500 ngư dân mua ngư cụ và hỗ trợ con cái của họ được đến trường.

Bà Priti Adani, một nha sĩ, điều hành Adani Vidya Mandir, một trường học ở Ahmedabad chỉ nhận những đứa trẻ có cha mẹ có thu nhập hàng năm dưới 100,000 rupee (1.200 USD).

Năm 2012, Quỹ Adani Foundation hợp tác với IndiaSkills, một liên doanh về đào tạo nghề, và City & Guilds, một trong những nhà cung cấp chứng chỉ nghề hàng đầu, để thành lập một trung tâm đào tạo kỹ năng ở Gujarat, với mục tiêp cung cấp các khóa học liên quan đến kỹ năng trong bán lẻ, khách sạn, an ninh, xây dựng và kỹ thuật.

Theo một số báo cáo, ông trùm hạ tầng đã đóng góp khoảng 13,7 triệu USD cho quỹ PM Cares  thông qua Adani Foundation nhằm chống lại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020.

Ngoài ra, ông cũng đóng góp khoảng hơn 600.000 USD cho Quỹ cứu trợ CM Gujarat và 125.000 USD cho Quỹ cứu trợ CM Maharashtra.

Vào sinh nhật lần thứ 60 của mình, vị tỷ phú đã cam kết quyên góp 600 tỷ rupee (7,7 tỷ USD) cho các hoạt động y tế, giáo dục và phát triển kỹ năng. Được biết, đây là khoản quyên góp lớn nhất của một tỷ phú trong lịch sử kinh doanh Ấn Độ.

Thế giới - Gautam Adani – Từ sinh viên bỏ học đến tỷ phú giàu thứ hai thế giới (Hình 5).

Tỷ phú Gautam Adani đã cam kết quyên góp hàng tỷ USD cho các hoạt động xã hội ở Ấn Độ. Ảnh: SCMP

Là một tỷ phú tự thân, Adani đã phải cố gắng hơn người để đứng trên đỉnh cao. Khả năng nắm bắt thời cơ, quyết tâm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và nỗ lực học hỏi không ngừng là những bí quyết giúp ông lên đến đỉnh cao sự nghiệp. Với khát vọng và tầm nhìn của người làm chủ tịch, cùng tài năng của các thế hệ kế cận, đế chế của tỷ phú Adani chắc chắn sẽ còn rộng lớn hơn nữa trong tương lai.

Nguyễn Tuyết (Theo The Global Hues, CNBC, Smart Money)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.