GDP quý III giảm 6,17%

GDP quý III giảm 6,17%

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 29/09/2021 10:22

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III sáng 29/9, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh khiến các chỉ số kinh tế giảm mạnh.

Hoạt động sản xuất đã đứt gãy

TheoTổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Hai động lực quan trọng của nền kinh tế là công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ đều giảm mạnh trong quý III. Công nghiệp, xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

Tính chung GDP 9 tháng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17%.

Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%). Đáng chú ý, t lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.

Theo đánh giá của đại diện Vụ thống kê Công nghiệp và Xây dựng, đứt gãy sản xuất đã xảy ra. “Nếu chúng ta chống dịch không tốt, hoạt động giãn cách kéo dài thì việc đứt gãy tiếp tục xảy ra”, vị này nhấn mạnh và chỉ ra rằng, tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề, chi phí chống dịch tại các doanh nghiệp tăng cao, thiếu lao động. Số doanh nghiệp có thể thực hiện được 3 cùng, 3 tại chỗ đều rất ít.

Doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh

Trong tháng 9/2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.400 tỷ đồng, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký so với tháng 8/2021. Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Số doanh nghiệp dừng hoạt động giảm mạnh so với doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm. Đây là dấu hiệu đảo chiều diễn ra trong năm nay, và cũng là xu hướng tất yếu của thị trường”, đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá và chỉ rõ, doanh nghiệp giải thể hầu hết là quy mô vốn nhỏ.

Kinh tế vĩ mô - GDP quý III giảm 6,17%

Doanh nghiệp dừng hoạt động hầu hết là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ (Ảnh: Phạm Tùng).

Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 16,66 tỷ USD).

Trước đó, tại buổi toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội chủ trì ngày 27/9, TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, ước dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm khoảng 2%.

Ông phân tích, nếu muốn GDP cả năm tăng trưởng 3,5% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 3,9%. Còn nếu muốn đạt ngưỡng 4% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 5,2%.

Theo ông Lực, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế ảm đạm là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành. Ông cho rằng, nếu GDP quý III âm thì đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.