Các tuyên bố được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra vào năm 2019 đã nhiều lần xác nhận thời điểm kích hoạt hệ thống phòng không S-400 của Nga sẽ là vào tháng 4/2020, sau các bước chuẩn bị kỹ thuật và huấn luyện cần thiết cho quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi Nga giao các bộ phận của S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống phòng không tinh vi này đã được triển khai tại một căn cứ quân sự gần Ankara vào giữa năm 2019. Kể từ đó đến nay, S-400 đã được thiết lập và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật để sẵn sàng đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong nhiều ngày trở lại đây, truyền thông đã đăng tải hàng loạt thông tin về việc S-400 sẽ không được kích hoạt như dự định. Mặc dù chưa phải là những tuyên bố chính thức, nhưng có những tín hiệu cho thấy điều này sẽ trở thành sự thật.
Đầu tiên, theo các nguồn tin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin thừa nhận rằng quyết định kích hoạt hệ thống S-400 sẽ bị hoãn do dịch COVID-19 tại một cuộc họp trực tuyến với các thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) vào giữa tháng 4.
Tiếp theo là một bản tin do Reuters đăng tải, trích lời một quan chức cấp cao giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ, người cho biết nước này sẽ hoãn việc kích hoạt S-400 do dịch bệnh hoành hành.
Quan chức này nhấn mạnh rằng không có quyết định kích hoạt S-400 ở thời điểm hiện tại và dự tính việc hoãn lại sẽ mất một vài tháng, theo Reuters.
Trước đó, quyết định táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ khi mua, triển khai và kích hoạt hệ thống S-400 của Nga đã trở thành vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đối tác phương Tây tại NATO.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và các lời đe dọa từ các đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhấn mạnh rằng, đó là một thỏa thuận đã được thực hiện và sẽ không có một sự lùi bước nào.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời khẳng định trong thời điểm trước khi virus corona bùng phát. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia dự đoán rằng đại dịch sẽ có tác động mạnh mẽ đến trật tự thế giới cả về chính trị và kinh tế, cũng như quyết định trì hoãn việc kích hoạt hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên quan rất nhiều đến thực tế này.
Trên hết, mối quan tâm đầu tiên là về kinh tế. Giống như phần còn lại của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với những tác động to lớn của virus đối với nền kinh tế vốn đã dễ tổn thương của nước này.
Ankara cần một lượng hỗ trợ tài chính đủ lớn để giữ cho nền kinh tế tiếp tục sống và giúp cho người dân bị khủng hoảng. Có báo cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với nhiều quốc gia thông qua ngân hàng trung ương để tạo ra dòng tiền nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản.
Mối quan tâm thứ hai xuất phát từ nguy cơ kích hoạt S-400 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất người giúp đỡ cần thiết lúc này là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã sử dụng quyền lực để bác bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Đạo luật CAATSA.
Vốn đã ở trong một tình thế khó khăn khi chống đỡ virus corona đang ăn mòn nước Mỹ, Tổng thống Trump sẽ không có nhiều tiếng nói trong việc chống lại áp lực lưỡng đảng từ Quốc hội trong việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là vào đêm trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
Không cần nhấn mạnh lại việc kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tàn phá như thế nào, vì điều đó đã được thể hiện vào tháng 8/2018.
Thứ ba là về bối cảnh tương lai của trật tự thế giới. Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng thế giới hậu đại dịch có thể sẽ nổi lên một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, khi Mỹ chính thức đối đầu với Trung Quốc, gây ra những tác động đáng kể đến cân bằng an ninh toàn cầu cũng như thương mại và kinh tế.
Phần còn lại của thế giới sẽ hiệu chỉnh lại lập trường của họ phù hợp với cuộc cạnh tranh mới này giữa hai gã khổng lồ kinh tế và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài cuộc chơi.
Do đó, một quyết định trì hoãn việc kích hoạt các hệ thống S-400 sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian quan sát các xu hướng và thay đổi mới trên trường quốc tế. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu đây là một sự trì hoãn ngắn hạn hay dài hạn?