Giá dầu, chứng khoán thế giới chao đảo vì biến thể mới Omicron

Giá dầu, chứng khoán thế giới chao đảo vì biến thể mới Omicron

Phạm Thị Thu Thanh

Phạm Thị Thu Thanh

Chủ nhật, 28/11/2021 07:00

Thông tin về biến thể mới tại Nam Phi khiến các nhà đầu tư bán bớt tài sản nhiều rủi ro để tìm tới các kênh trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu, vàng và đồng USD.

Hôm thứ Sáu ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã xuất hiện chủng vi-rút mới Omicron (hay còn gọi B.1.1.529), là một "biến thể đáng lo ngại" có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các đột biến trước đây của virus Covid-19. Sự lây lan của B.1.1.529 hiện đang trong giai đoạn đầu và chưa rõ mức độ nghiêm trọng của một người đã tiêm phòng đầy đủ khi nhiễm biến chủng này.

Cùng ngày, thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu đã sụt giảm trước thông tin Nam Phi xác định sự xuất hiện một biến thể Covid-19 mới, có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. 

Bán tháo chứng khoán, giá dầu sụt giảm

Tại New York, chỉ số Dow Jones, một chỉ số chứng khoán quan trọng và lâu đời nhất của Mỹ, đã giảm hơn 2,5% - mức giảm lớn nhất trong vòng hơn một năm, đóng cửa ở mức 34.899 điểm vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/11). Theo nhận định của CNN, các phiên giao dịch thứ Sáu thường kết thúc sớm, có khối lượng giao dịch thấp, điều này càng làm trầm trọng thêm sự biến động trên thị trường.

Tại Toronto (Canada), TSX Composite Index sụt giảm gần 500 điểm, tương đương 2,25%, và kết thúc phiên giao dịch trong ngày ở mức 21.125 điểm.

Giá của West Texas Intermediate (WTI), một loại dầu thô được sử dụng làm mức chuẩn trong giá dầu, đã giảm hơn 10 USD và đóng cửa ở mức hơn 68 USD/thùng. Đánh dấu sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2020.

Jeremy McCrea, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Raymond James Energy Research, cho biết: "Cần đợi một vài tuần cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của diễn biến này".

McCrea cho biết thị trường dầu mỏ vừa trải qua những tuần đặc biệt biến động, bắt đầu từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 17/11 nhất trí chỉ tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12 tới, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ do lo ngại sẽ tái diễn một cuộc khủng hoảng thừa. Sau đó, vào ngày 23/11, Mỹ tuyên bố chính thức giải phóng 50 triệu thùng dầu từ các Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với sự phối hợp cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh, để cố gắng hạ nhiệt giá dầu.

Trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về việc một biến thể mới có thể hạn chế nhu cầu dầu toàn cầu, ông McCrea cho rằng "vẫn còn nhiều yếu tố lớn có thể làm thay đổi giá dầu".

Colin Cieszynski, chuyên gia thuộc công ty quản lý đầu tư SIA Wealth Management (SIAWM) cho rằng: “Những thông báo này đã gây ra đợt bán tháo đối với các cổ phiếu các ngành liên quan đến du lịch như các hãng hàng không, hãng du lịch, khách sạn,...".

Cổ phiếu của Air Canada, hãng hàng không lớn nhất Canada, đã giảm hơn 8% trong khi cổ phiếu của hãng du lịch Carnival sụt giảm 11 điểm, chuỗi khách sạn Hilton và Marriott đều giảm hơn 6%. 

Thế giới - Giá dầu, chứng khoán thế giới chao đảo vì biến thể mới Omicron

Một lọ vắc xin Pfizer-BioNTech Covid-19. Ảnh: Getty Images

Cổ phiếu hãng dược phẩm Pfizer tăng gần 7% trong khi cổ phiếu hãng dược phẩm Moderna tăng hơn 22%. Nhà phân tích tiền tệ Audrey Childe-Freeman của Bloomberg Intelligence cho biết: “Những biến động về giá hiện nay và những động thái bất ngờ là lời nhắc nhở chúng ta không được chủ quan trước diễn biến của Covid-19 vào năm 2022”.

Hàng loạt hãng dược tăng tốc ứng phó với biến thể Covid-19 mới

Cùng ngày, giá Bitcoin đã giảm mạnh 8% sau khi thông tin về biến thể mới tại Nam Phi khiến các nhà đầu tư bán bớt tài sản nhiều rủi ro để tìm tới các kênh trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu, vàng và đồng USD. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 0,1 % xuống 1,51%.

Lo ngại biến thể mới

Vào mùa hè năm nay, biến chủng Delta cũng gây sức ép đáng kể lên các ngành như giải trí, du lịch, khách sạn. Giờ đây, các nhà đầu tư và nhà kinh tế lo ngại biến thể mới này có thể làm được điều tương tự.

Keith Lerner, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty dịch vụ Truist Advisory Services, cho biết: "Các biến thể của Covid-19 vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường và có khả năng tiếp tục gây ra biến động trong năm tới" hoặc thậm chí tác động lâu hơn. Ông nói thêm: “Thật khó để nói vào thời điểm này, biến thể mới nhất này sẽ có tác động lâu dài như thế nào đối với các thị trường". 

Sam Stovall, chiến lược gia tại hãng nghiên cứu CFRA Research, cho biết có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể mới.

Lisa Kramer, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Rotman tại Toronto (Canada), cho biết các nhà đầu tư đang phản ứng quan ngại tương tự như khi bắt đầu đại dịch. Bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Không bất ngờ khi có những tin tức về việc một số người phản ứng thái quá", “Việc các thị trường phản ứng mạnh cũng không cần quá lo lắng".

Hà Thanh (theo Business Standard, CBC. CNN)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.