Giá dầu quay lại đà tăng khi xung đột Nga - Ukraine leo thang

Giá dầu quay lại đà tăng khi xung đột Nga - Ukraine leo thang

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 6, 04/03/2022 14:14

Hoạt động giao dịch đối với dầu thô của Nga dường như đã đóng băng do khách hàng do dự trong việc chốt giao dịch mua vì các lệnh trừng phạt.

Giá dầu tăng trở lại vào ngày 4/3 trong bối cảnh lo ngại về việc hoạt động xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây còn cao hơn triển vọng về việc có thêm nguồn cung từ Iran, Reuters đưa tin.

Theo Reuters, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng lên 114,23 USD/thùng, và ở mức 113,72 USD/thùng, tăng 3,26 USD, tương đương 3%, vào lúc 01:21 giờ GMT ngày 4/3. Trước đó, hợp đồng tương lai giá dầu đã giảm 2,2% hôm 3/3.

Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 4 tăng 4,15 USD, tương đương 3,9%, lên 111,82 USD/thùng sau khi chạm mức cao 112,84 USD trước đó trong phiên giao dịch. Hợp đồng tương lai giá dầu đã giảm 2,6% trong phiên trước.

Các thị trường toàn cầu đều giảm trong khi giá dầu tăng do có dấu hiệu leo thang trong xung đột Nga-Ukraine sau khi có thông tin cho rằng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine bị cháy sau một cuộc tấn công của quân đội Nga.

Giá dầu đang tăng do lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong cuộc xung đột Ukraine sẽ làm gián đoạn các chuyến hàng từ Nga, nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu lớn nhất thế giới.

Hoạt động giao dịch đối với dầu thô của Nga dường như đã đóng băng do khách hàng do dự trong việc chốt giao dịch mua vì các lệnh trừng phạt.

"Việc giá dầu tăng liên quan đến những gián đoạn trên thực tế và do đánh giá kỳ vọng đối với xuất khẩu dầu của Nga. Và triển vọng về nguồn cung bổ sung tiềm năng từ Iran không đủ để xoa dịu những lo ngại này”, chuyên gia phân tích Vivek Dhar tại Commonwealth Bank of Australia cho biết.

Giá dầu biến động chênh lệch trong khoảng 10 USD hôm 3/3, nhưng giảm lần đầu tiên sau 4 phiên tăng liên tiếp khi các nhà đầu tư tập trung vào thông tin rằng sự hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu của Iran và giúp giảm bớt sự thắt chặt của nguồn cung.

Giá dầu được dự báo sẽ có mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ giữa năm 2020, với giá dầu WTI tăng hơn 22% và giá dầu Brent tăng hơn 16% sau khi đạt mức cao nhất trong một thập kỷ vào tuần này.

Chuyên gia phân tích của Commonwealth Bank of Australia dự báo, giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 110 USD/thùng trong quý II và quý III năm nay. Tuy nhiên, "rủi ro là giá tăng cao hơn dự báo của chúng tôi trong ngắn hạn. Thậm chí, giá hợp đồng tương lai dầu Brent có khả năng được giao dịch ở mức cao tới 150 USD/thùng", ông cho biết.

Thế giới - Giá dầu quay lại đà tăng khi xung đột Nga - Ukraine leo thang

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji. Ảnh: Iran International

Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được biết đến với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hãng thông tấn SHANA dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Owji cho biết hôm 3/3, sản lượng dầu của Iran có thể đạt mức tối đa trong vòng chưa đầy 2 tháng sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân.

“Ngay sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna kết thúc, chúng tôi có thể đạt công suất sản xuất và xuất khẩu dầu tối đa trong vòng chưa đầy 1-2 tháng”, ông Owji tuyên bố. "Tuy nhiên, chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc phải chờ đợi đàm phán hạt nhân".

Iran là quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, nhưng sản lượng dầu thô của nước này đã giảm mạnh kể từ khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt năm 2018, khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận này đã diễn ra trong 11 tháng tại Vienna, Áo, và các nhà ngoại giao hiện được cho là đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Minh Đức (Theo Reuters, Iran International)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.