Gần 10 ngày sau khi Bộ Y tế có công điện số 286 (ngày 3/3) yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, “găm” hàng “thổi” giá, bán giá bất hợp lý; Cơ sở kinh doanh phải niêm yết giá bán test xét nghiệm Covid-19.
Ngày 13/3, theo khảo sát của Người Đưa Tin, tại các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội nhu cầu mua kit test của người dân không còn tăng cao như trước.
Chủ hiệu thuốc Đ.Q ở ngõ Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết giá một kit test Covid-19 là 60 – 70.000 đồng. Lý do giá thành rẻ hơn so với trước là hàng nhập được giá rẻ nên bán rẻ.
Còn nhân viên của hiệu thuốc K. A ở Thanh Trì cho biết, trước phải xếp hàng để mua nhưng giờ nhu cầu người sử dụng kit test cũng ít hơn trước. Giá trước kia hiệu thuốc bán là 90.000 – 100.000 đồng tùy từng nơi sản xuất, còn bây giờ giá rẻ hơn chỉ còn 55.000 - 70.000 đồng/que test.
“Trước dịch kit test lên giá nên giá thành đắt nhưng vẫn cháy hàng, còn bây giờ người dân ít mua kit và sử dụng hơn trước”, dược sĩ hiệu thuốc K.A chia sẻ.
Tại hiệu thuốc T.H trên đường Mễ Trì, nhân viên bán thuốc tại đây cũng cho biết hiện kit test nhanh đã giảm hơn so với trước. Nếu như cách đây hơn hai tuần, giá kit test nhanh dao động khoảng 80-100.000 đồng/que tets thì nay giá kit test tại hiệu thuốc giảm còn từ 60.000 đồng/que test.
Theo nhân viên bán thuốc, hiện nhu cầu mua que test về tích trữ của người dân đã hạn chế, lượng người đến mua kit test giảm hơn so với trước.
Dược sĩ Phạm Văn Quý, Nhà thuốc Thân Thiện (đường Cầu Giấy) cho biết giá bán kit test hiện đã giảm còn từ 60-70.000 đồng/que test. Theo DS. Quý, nhu cầu mua kit test của người dân hiện giảm nhiều, gần như ngày chỉ có 2-3 người hỏi mua.
Trong khi đó, theo ghi nhận thêm của Người Đưa Tin, số lượng người dân đến hiệu thuốc mua kit test cũng không còn tăng cao như trước.
Anh Tạ Chiến (Hà Nội) cho biết: “Thời điểm cách đây 2 tuần, khi số ca mắc tại Hà Nội tăng cao, gia đình tôi cũng có nguy cơ mắc. Vì lo lắng nên tôi cũng tìm mua kit test trên mạng vì giá rẻ hơn nhiều so với mua ở ngoài hiệu thuốc. (Mua trên mạng thời điểm đó 40-50.000 đồng không rõ của nước nào sản xuất). Tuy nhiên, khi mua về test thì báo dương tính, nhưng sau ra hiệu thuốc mua test lại thì lại âm tính. Đến nay thì gia đình tôi ít sử dụng kit test”.
Tương tự, chị Nguyễn Hằng (Mễ Trì, Hà Nội) cho hay chị có nguy cơ tiếp xúc với rất nhiều F0, ở thời điểm trước chị hay mua sẵn và cứ hai ngày test lại cho yên tâm. Nhưng bây giờ chị không còn dự trữ que test nhanh trong nhà nữa.
“Tôi mua 3 que giá 100.000 đồng thời điểm số ca mắc tại Hà Nội đang tăng cao. Tuy nhiên, đến nay thì tôi đã không còn mua que test nữa. Hôm trước tôi hỏi mua cho bạn ở ngoài hiệu thuốc thì thấy giá đã giảm xuống còn 60.000 đồng/que. Tôi thấy test nhiều không đem lại hiệu quả và lãng phí, bởi hiện nhiều người cũng không còn quá sợ Covid nữa, mà khi có biểu hiện thì mới test”, chị Hằng cho hay.
Như vậy, có thể thấy trước tình trạng khan hiếm và biến động về giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 thời gian qua, đến nay giá kit test tại các hiệu thuốc cũng đã dần “hạ nhiệt”.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin về tình trạng lạm dụng test nhanh, BS. Trương Hữu Khanh chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp.HCM cho rằng người dân không nên mua nhiều loại kit test và ngày nào cũng dùng sẽ gây lãng phí.
Theo BS. Khanh, khi nào có nguy cơ và có triệu chứng như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…hãy làm test nhanh.
Nếu không có triệu chứng mà vẫn muốn kiểm tra cho chắc chắn, yên tâm thì nên test vào ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc F0. Còn đối với F0, sau khi điều trị 10-14 ngày thì hãy test lại.
TS. Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế thông tin, tính đến ngày 23/02/2022, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Hoàng Bích - Nguyễn Sơn