Khai giảng trực tuyến
Năm nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 kéo dài, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Gia Lai đã sẵn sằng chuẩn bị nhiều phương án để đảm bảo công tác dạy và học đi đôi với công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Gia Lai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 1249/UBND-KGVX ngày 2/9/2021, về việc tổ chức lễ khai giảng và thời gian đến trường của học sinh năm học 2021-2022, sở yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung sau.
Theo đó, vào 7h sáng ngày 5/9, lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Gia Lai.
Thời gian đến trường của các cấp học được quy định như sau:
Cấp trung học cơ sở, và trung học phổ thông, ngày 6/9, học sinh toàn tỉnh đi học (trừ hai địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 là là TP.Pleiku và thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa).
Sau khi học sinh đến trường được một tuần thì Sở phối hợp với UBND huyện rà soát đánh giá lại việc tổ chức đến trường gắn với công tác phòng dịch từ đó đưa ra quy định tiếp theo.
Cấp học tiểu học, học sinh toàn tỉnh sẽ đi học vào ngày 13/9, nơi nào có thể triển khai học trực tuyến thì giao nhà trường tổ chức học trực tuyến hoặc lựa chọn hình hức phù hợp, an toàn, hiệu quả phải đánh giá thường xuyên để đảm bảo yêu cầu, chất lượng dạy vào học.
Riêng đối với cấp học mầm non, sẽ tổ chức cho đi học khi tình hình dịch được kiểm soát chặt chẽ và có văn bản hướng dẫn của bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sáng 5/9, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Văn Thuấn, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Krong (xã Krong, huyện Kbang) cho biết: “Sáng nay, trường đã tiến hành lễ khai giảng năm học mới chung với toàn tỉnh qua hình thức truyền hình trực tuyến. Căn bản, lễ khai giảng năm học mới diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm công tác phòng chống dịch. Ngày mai 6/9, học sinh cấp trung học cơ sở bắt đầu buổi tựu trường đầu tiên của năm học mới 2021-2022 theo kế hoạch”.
Theo thầy Thuấn, để chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, đảm bảo cho công tác dạy học toàn thể 25 cán bộ nhân viên, giáo viên của trường đã trung về trường từ ngày 1/8. Nhà trường phối hợp với công đoàn, thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ở, làm việc) tại trường để đảm bảo công tác phòng dịch. Đến thời điểm hiện tại, hầu như cơ sở vật chật đảm bảo cho việc dạy và học cơ bản đã hoàn tất như mọi năm.
Trong thời gian làm công tác chuẩn bị để năm học mới sĩ số học sinh đến trường là 100%, nhà trường đã phân công, tổ chức cho các giáo viên “đi từng ngõ gõ từng nhà”. Các thầy cô tổ chức ôn tập kiến thức cũ cho các em ngay tại nhà, ngoài ra tuyền truyền phổ biến cho phụ huynh công tác phòng chống dịch bệnh.
Thầy Thuấn trăn trở: “Năm nay dịch bệnh kéo dài, để đáp ứng nhiệm vụ dạy học nhiều giáo viên của trường phải mang theo con nhỏ vào ở tại trường cũng rất vất vả. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh thiếu sách vở để đến trường là nỗi niềm mà đội ngũ giáo viên, nhà trường đang tìm cách tháo gỡ”.
“Hầu hết học sinh của trường đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Về sách giáo khoa thì nhà trường có thể linh động được từ tủ sách của nhà trường để cho các em học. Về vở viết, nhiều em học sinh không có tiền để mua, mọi năm không có dịch thì các nhà hảo tâm đến hộ trợ. Nhưng năm nay, dịch kéo dài nhà trường không kêu gọi được mạnh thường quân nên hiện tại nhiều học sinh chưa trang bị được vở trong khi đi ngày mai đã bước vào học”, thầy Thuấn nói.
Đảm bảo phòng chống dịch
Cô Hoàng Thị Thu, hiệu trưởng trường Tiểu học Ia Nhin, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Năm học này, toàn trường có 724 học sinh ở 23 lớp. Trong đó, học sinh lớp 1 hơn 160 em được bố trí thành 5 lớp (3 lớp ở điểm trung tâm, 2 lớp ở điểm trường lẻ). Từ ngày 23/8, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 1 tựu trường và thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành. Thông qua điện thoại, website, email, mạng xã hội… nhà trường cung cấp thông tin về trường, lớp, giáo viên chủ nhiệm, cơ cấu tổ chức, biên chế lớp học, thời khóa biểu, kế hoạch thực hiện hoạt động giáo dục của lớp đến phụ huynh và học sinh".
Cô Thu cho biết thêm: “Ngoài ra, thông qua ứng dụng zoom và Zalo, giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng phụ huynh hướng dẫn học sinh tự học và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng nhằm chuẩn bị cho các em một số kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp 1. Riêng đối với học sinh dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng Việt, giáo viên phát tài liệu hướng dẫn các em tập nói một vài chủ đề cần thiết theo tài liệu “Em nói tiếng Việt” đã được triển khai từ năm học 2019-2020”.
Ông Lê Duy Định, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai chp hay: “Toàn tỉnh khai giảng vào ngày 5/9 với hình thức không tập trung. Các cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật sẽ tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, nội dung lễ khai giảng đến với học sinh và phụ huynh. Riêng những cơ sở còn khó khăn thì sẽ truyền tải thông tin, nội dung kế hoạch năm học 2021-2022 của nhà trường, lớp học đến với cha mẹ học sinh, trẻ em, học sinh, học viên gián tiếp qua website, email, smas, Zalo, Facebook, điện thoại… phù hợp với điều kiện từng đơn vị”.