Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai giao sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập để kiểm định chất lượng, cũng như khả năng chịu lực của kết cấu công trình. Việc kiểm định này phải hoàn thành và báo cáo kết quả trước 2/2.
UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xử lý các tồn tại và hoàn chỉnh lại hồ sơ của dự án hồ chứa nước Ia Rtô theo quy định để đảm bảo các điều kiện chuẩn bị cho công tác chặn dòng trong Quý I/2021.
Đối với ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay sáp nhập vào ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai) sẽ không được phân công việc.
Đồng thời, giao người có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp tiếp tục thực hiện các dự án thủy lợi, cấp nước khác mà Ban này làm chủ đầu tư.
Ông Yên hiện vẫn phải có trách nhiệm tập trung phục vụ công tác kiểm định chất lượng, công tác kiểm tra và xử lý các tồn tại, vướng mắc dự án Hồ chứa nước Ia Rtô.
Như đã đưa tin, dự án hồ chứa nước Ia Rtô do ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.
Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020 và phục vụ cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa.
Tuy nhiên, với rất nhiều bất cập trong việc triển khai dự án đã làm chậm tiến độ thi công vượt lũ và công trình không thể hoàn thành như quyết định được phê duyệt.
Cụ thể, tại phần đập của hồ chứa đang thiếu khoảng 200.000 m3 đất đắp thượng, hạ lưu đập và 40.000 m3 lõi chống thấm. Cùng với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, chi phí vận chuyển đất đắp từ các bãi vật liệu đã làm kinh phí tăng thêm khoảng 8,128 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do thiết kế bãi vật liệu không đủ trữ lượng dẫn đến thiếu vật liệu đắp đập. Chưa kể, đất đắp khối chống thấm ở bãi cách xa công trình 17 km là không phù hợp về cự ly theo quy định.
Còn về thay đổi biện pháp thi công xử lý thấm nền đập, theo thiết kế phải xử lý bằng tường hào chống thấm Bentonai. Tuy nhiên, ngoài việc xử lý nền đập bằng tường hào Bentonai, chủ đầu tư còn thực hiện công việc khoan phụt vữa và đã làm xong từ tháng 6/2020.
Việc phát sinh này làm tăng giá trị hợp đồng đã ký 8,3 tỷ đồng, trong khi chưa được UBND tỉnh Gia Lai cho phép.
Cùng với đó, trong quá trình thực hiện dự án còn phát sinh một số khối lượng công việc khác như: đào đá móng tràn, vai tràn xả lũ, điều chỉnh và bổ sung công trình trên kênh để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác vận hành, chi phí xây dựng nhà quản lý công trình và chi phí tư vấn lập dự án đầu tư kinh phí quản lý an toàn đập, hồ chứa… kinh phí dự kiến bổ sung khoảng hơn 6,1 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí cho các khối lượng, công việc bổ sung và phát sinh nêu trên là khoảng hơn 23,1 tỷ đồng.
Thái Bình (t/h)