Giữ bình yên cho buôn làng
Tìm về buôn Kơ Nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi được người dân nơi đây kể không ít câu chuyện về già làng Y Hơ Êban (SN 1947) – người được ví như “cây đa đầu làng”.
Theo đó, năm 2001, trong lúc nhiều gia đình trong buôn nghe theo lời xúi dục của lực lượng Fulro đi gây rối, nói xấu cách mạng, nói xấu cán bộ thì già Y Hơ cùng 3 người con trai của mình bỏ công sức, tiền bạc đắp đập tràn trên cánh đồng để làm lúa nước.
Không chỉ vậy, bằng sự hiểu biết của mình, già Y Hơ dành thời gian đến từng nhà dân để tuyên truyền, phổ biến và vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, giải thích, vạch rõ âm mưu chia rẽ nội bộ của lực lượng Fulro và vận động người dân không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Mặt khác, già còn hướng dẫn bà con trong buôn chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan để cùng nhau xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu mạnh.
Với quyết tâm “mưa dầm thấm lâu”, sự kiên trì và nỗ lực của già Y Hơ cùng với chính quyền địa phương đã giúp cho hàng trăm người dân trong buôn nhận ra sai lầm khi tin và nghe lời kẻ xấu. Từ đó, quyết tâm quay trở về chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Không chỉ vậy, hơn 5ha lúa nước được cung cấp nước từ đập tràn mang tên già làng cùng với những sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước đã góp phần vào sự no ấm của bà con buôn Knia 4.
Nói đến đây, già Y Hơ cho hay: “Có những người đã vượt biên trái phép đi theo Fulro nhưng sau khi được chúng tôi vận động, tuyên truyền thì quay trở về xin được sửa sai, thi đua nhau lao động sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ dân này đều có điều kiện kinh tế khá giả”.
Khi bão tố của buôn làng đi qua, già Y Hơ không chỉ cùng gia đình nỗ lực phát triển kinh tế mà còn không ngừng nỗ lực vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đó, hễ trong buôn xảy ra xích mích, cãi vã, thậm chí xô xát, đánh nhau thì già Y Hơ lại lập tức có mặt để phân tích đúng sai của từng người. Nhờ vậy, mọi người vui vẻ thừa nhận lỗi lầm và cam kết không tái phạm, đoàn kết trong lao động, sản xuất cũng như cuộc sống thường ngày.
Năm 2014, già Y Hơ Êban và một số ít người uy tín của tỉnh Đắk Lắk may mắn được ra thăm biển đảo Trường Sa thiêng liêng. Chuyến đi dài ngày đã để lại những ấn tượng không thể nào quên trong tâm trí già Y Hơ…
Theo đó, trong suốt hành trình 15 ngày, được đặt chân đến 10 điểm đảo lớn nhỏ, già Y Hơ lại đem cuốn sổ công tác ra ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những hoạt động, những giờ giao lưu chóng vánh, ngắn ngủi, nhưng ấm áp, thấm đậm nghĩa tình giữa những người từ hậu phương với những người trên đảo.
Tất cả những kỷ niệm của chuyến đi và sự hi sinh lớn lao của các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đều được già Y Hơ kể lại cho con cháu, bà con trong buôn nghe. Qua đó, như một lời nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong mọi khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Quyết gìn giữ hơi thở của văn hóa truyền thống
Không chỉ mang bình yên, hạnh phúc đến cho buôn làng, già Y Hơ còn có công lớn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của người Ê Đê thông qua việc chế tác, bảo tồn nhạc cụ dân tộc.
Nói đến đây, già Y Hơ cho hay, từ khi còn nhỏ, ông đã được nghe những giai điệu truyền thống qua các lễ hội của buôn làng như: cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng rừng thiêng.... Hay đó là tiếng cồng chiêng vang lên giữa đại ngàn trong các lễ hội kéo dài từ ngày này qua ngày khác.
Và rồi, tình yêu với những âm thanh vang vọng của núi rừng cứ lớn dần trong già Y Hơ theo thời gian, đồng thời trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Theo đó, mỗi khi buôn làng mở hội, Y Hơ lại đến xem các nghệ nhân biểu diễn rồi học cách đánh, cách chế tác. Đến năm 15 tuổi, Y Hơ đã sử dụng, chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Đến nay, già Y Hơ không chỉ là nghệ nhân biết đánh thành thạo cồng chiêng, hát Ayray, mà còn có thể chế tác các loại nhạc cụ dân tộc nổi tiếng như: Đàn T’rưng, đàn Đing Năm, Đing nhất, sáo,…
Đặc biệt, già tự sáng tác những câu hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và tình đoàn kết của người dân buôn làng. Những lời ca mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe, qua đó căn dặn con cháu phải đoàn kết, ngoan ngoãn và yêu quê hương, ca ngợi vẻ đẹp của Đắk Lắk đại ngàn.
Không những thế, đứng trước nỗi lo không thể sống mãi với niềm đam mê nhạc cụ dân tộc nên năm 2014, già Y Hơ đã bắt đầu mở lớp truyền dạy các sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Thế nhưng, không phải ai cũng mặn mà với nhạc cụ, văn hóa truyền thống.
“Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều người đã rời quê hương đi làm ăn xa, các em nhỏ phải theo học trên trường. Do đó, để học đánh và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống rất khó khăn. Có cháu học được 2-3 ngày lại nghỉ, người học gần thành thạo cũng nghỉ. Trong khi đó, những người có thể chế tác, biểu diễn nhạc cụ thì ngày càng rơi rụng, mai một dần. Điều này khiến tôi không khỏi buồn và lo lắng”, già Y Hơ trăn trở.
Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, đến nay sau gần 10 năm “tiếp lửa đam mê”, già Y Hơ đã truyền dạy cho hàng trăm thanh thiếu niên biết chơi nhiều nhạc cụ, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của buôn làng mà cha ông để lại. Đồng thời, giúp thế hệ trẻ duy trì và phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc.
Đặc biệt, dù đã 75 tuổi nhưng già Y Hơ vẫn thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ mọi người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của từng người dân trong buôn. Qua đó, thao gỡ các vướng mắc, giúp người dân ngày vươn lên trong cuộc sống.
Với những đóng góp tích cực của mình, nhiều năm qua, già Y Hơ đã được chính quyền các cấp, UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng các ban ngành biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua yêu nước.
Ông Bế Hồng Quảng, cán bộ văn hoá xã Ea Bar cho hay, già Y Hơ Êban có nhiều đóng góp giúp duy trì văn hoá truyền thống tại địa phương. Trong đó, lớp học truyền dạy các sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc của già Y Hơ là một điểm sáng có thể giúp duy trì và phát huy truyền thống dân tộc. Vì vậy, chính quyền địa phương rất ủng hộ và luôn tạo điều kiện để lớp học phát triển.
Khánh Ngọc