Giá vàng thế giới
Giá vàng quốc tế đứng ở mức 1.984,9 USD/ounce, giảm 10 USD sau một tuần. Trong tuần này, kim loại quý biến động lên xuống liên tục xoay quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce. Giá vàng đảo chiều và giảm xuống dưới mốc quan trọng này trong phiên cuối tuần do áp lực từ đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao.
Các thị trường đang đưa ra dự báo 84% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, khiến đồng USD có xu hướng xác lập tuần tăng đầu tiên trong hơn một tháng.
Trong ngắn hạn, việc dự báo xu hướng giá vàng trong tuần tới đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco News với sự tham gia của 23 nhà phân tích Phố Wall thì số người dự báo vàng sẽ đi ngang chiếm nhiều nhất với 9 người, chiếm 49%. Ngược lại chỉ có 6 người, tương đương 26% nhận định vàng sẽ tăng. Trong khi đó có 8 nhà phân tích còn lại, tương đương 35% đưa ra ý kiến rằng giá vàng sẽ giảm.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến với 618 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì phần lớn vẫn nghĩ vàng sẽ tăng giá. Kết quả có 329 người, chiếm 53% dự báo kim loại quý vẫn đi lên; 166 người khác, tương đương 27% cho rằng vàng giảm và 123 người còn lại, tương ứng 20% nghĩ rằng vàng đi ngang.
Giá vàng trong nước
Cuối tuần 23/4, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,45 triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với hôm qua. So với cuối tuần trước, giá vàng SJC không thay đổi.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,8 triệu đồng/lượng mua vào, 56,8 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với hôm qua và giảm 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước.
Những ngày qua, thị trường vàng trong nước gần như "bất động". Chủ yếu chỉ giá vàng trang sức, vàng nhẫn biến động theo giá thế giới, trong khi vàng SJC gần như không thay đổi. Có điều, giá vàng SJC liên tục neo ở vùng 67 triệu đồng/lượng bất chấp đà tăng mạnh hoặc giảm mạnh của giá vàng thế giới, khiến chênh lệch vẫn ở mức rất cao.
Minh Hoa (t/h)