Giá vàng trong nước hôm nay 11/3
Giá vàng SJC hôm nay 11/3 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội tiếp tục giảm thêm 250.000 đồng còn 46,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và giảm tới 500.000 đồng xuống mức 47,30 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC hôm nay 11/3 giảm 200.000 đồng còn 46,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và giảm 400.000 đồng còn 47,40 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC hôm nay 11/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM niêm yết mức 46,84 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,45 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng 9999 của Phú Quý hôm nay 11/3 niêm yết 4.630.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.730.000 đồng một chỉ (bán ra).
Giá vàng 9999 hôm nay 11/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM giảm còn 4.620.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.700.000 đồng một chỉ (bán ra).
Giá vàng ta hôm nay 11/3 niêm yết chiều mua vào 4.620.000 đồng một chỉ, bán ra 4.700.000 đồng một chỉ.
Giá vàng thế giới hôm nay 11/3
Tới 8h30 sáng 11/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.657 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.657 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 29,1% (373 USD/ounce) so với đầu năm 2019.
Giá vàng thế giới giảm mạnh từ đỉnh 7 năm do áp lực chốt lời và tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hỗ trợ “đáng kể” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗi lo ngại về dịch bệnh vẫn ở mức cao trên thế giới.
Trước đó, trong phiên đầu tuần trên thị trường châu Á, vàng đã lần đầu tiên kể từ đầu 2013 vượt lên trên ngưỡng 1.700 USD/ounce trong bối cảnh thị trường lo ngại về dịch Covid-19 lan rộng và giá dầu tụt giảm 25% dần về ngưỡng 30 USD/thùng.
Vàng tiếp tục giảm không chỉ do áp lực chốt lời mà còn do Mỹ và Nhật tuyên bố điều chỉnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi các nước khác cũng tính toán các chính sách tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm thông báo về việc hỗ trợ rất đáng kể nền kinh tế. Các biện pháp có thể bao gồm cắt giảm thuế thu nhập từ lương và hỗ trợ những người lao động làm việc theo giờ nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của virus corona. Những ưu đã về thuế sẽ nằm trong gói chi tiêu trị giá 8,3 tỷ USD mà ông Trump đã ký kết vào tháng trước.
Chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones tăng mạnh trở lại. Chứng khoán các nước khác cũng tăng mạnh và đây là yếu tố kìm hãm sự gia tăng của vàng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ với NHTW Nhật Bản để hỗ trợ các thị trường “vốn đang rất bất ổn”.
Giới đầu tư tạm thời rời xa vàng và tìm đến các loại tài sản rủi ro như chứng khoán.
Giá dầu cũng đã quay đầu tăng đến 8% sau khi tuột dốc gần 30% vào phiên trước đó - mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Thị trường chứng khoán châu Á đã tăng khá mạnh trong phiên 10/3. Chứng khoán Dubai tăng 5,5%, Abu Dhabi tiến 4,2%, Kuwait và Qatar cũng tăng khá mạnh.
Giới đầu tư chứng khoán cũng được hỗ trợ bởi thông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Vũ Hán, tâm điểm của dịch Covid-19. Thông tin này làm dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc đang trên đà phục hồi kinh tế khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa, ngay trong phiên họp 18/3 tháng này sau khi ngân hàng này có động thái cắt giảm lãi suất 50 điểm phần trăm vào tuần trước.
Cho dù vàng quay đầu giảm giá mạnh, nhưng vẫn ở mức cao và giá kim loại quý vẫn được dự đoán tăng mạnh trong tuần do dịch Covid-19 đang lan rộng.
Vàng còn được hưởng lợi từ đồng USD đang giảm giá rất mạnh. Hiện tại thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất thêm 50-75 điểm cơ bản trong cuộc họp hôm 18/3 tới sau khi đã bất ngờ hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trong tuần trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng giảm lãi suất.