Giấc mơ World Cup và nội tình mặt cỏ Mỹ Đình

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 3, 27/12/2022 11:52

Dù đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho World Cup, nhưng hiện tại, bóng đá Việt Nam lại đang đối mặt với những vấn đề ngay từ nội tại.

Bóng đá Việt Nam - Giấc mơ World Cup và nội tình mặt cỏ Mỹ Đình

1. World Cup 2022 vừa khép lại tại Qatar bằng chiến thắng đầy cảm xúc của Lionel Messi và đội tuyển Argentina. Đây là vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới cuối cùng có sự tham dự của 32 đội. Từ World Cup 2026, 4 năm sau, số lượng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tham dự sẽ được nâng lên thành 48.

Theo phân bổ của LĐBĐ thế giới (FIFA), châu Á, chính xác hơn là LĐBĐ châu Á (AFC), sẽ có 8 suất thay vì 4,5 suất. Điều đó đồng nghĩa cơ hội được mở ra cho các đội bóng khác, thay vì chỉ xoay quanh các ông lớn Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran và Australia, vốn ở châu Đại Dương về mặt địa lý nhưng xin gia nhập AFC để tăng cơ hội dự World Cup.

Đội tuyển Việt Nam, với thành tích lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, chẳng có lý gì lại không dám mơ về ngày nhảy múa tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Giấc mơ ấy không còn xa vời và viển vông. Bằng chứng là tại đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022- 2026) vừa qua, VFF quyết định xây dựng lộ trình phát triển đến năm 2030, đặt mục tiêu tuyển Việt Nam lọt vào tốp 10 đội mạnh nhất châu Á, lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2026, cạnh tranh cơ hội dự VCK World Cup 2026 và hướng tới tham dự VCK World Cup 2030.

Chẳng cần tính đến năm 2030 xa xôi, ở kỳ World Cup tiếp theo, lứa cầu thủ vàng từng viết nên câu chuyện cổ tích Thường Châu tuyết trắng là ngôi á quân U23 châu Á, với những Quang Hải, Phan Văn Đức, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Đoàn Văn Hậu v.v. sẽ bước vào độ tuổi chín muồi nhất của sự nghiệp ở độ tuổi 30.

Tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, dàn hảo thủ này cộng với những tài năng mới như Nguyễn Hoàng Đức tuy đứng cuối bảng nhưng vẫn giành được 4 điểm. Với tình yêu bóng đá mãnh liệt cùng thể chất ngày càng phát triển, hứa hẹn bóng đá Việt Nam sẽ còn sản sinh ra những cầu thủ chất lượng trong vài năm tới.

Bóng đá Việt Nam - Giấc mơ World Cup và nội tình mặt cỏ Mỹ Đình (Hình 2).

2. Nhưng, trước khi mơ về giấc mơ World Cup, đội tuyển và người hâm mộ Việt Nam cần quay trở lại với thực tại là AFF Cup 2022. Giải đấu vẫn bị ví như “ao làng” này thực tế vẫn là đấu trường duy nhất Những chiến binh sao vàng có cơ hội xưng hùng xưng bá. Trước khi nghĩ đến chuyện bơi ra biển lớn, suy cho cùng vẫn cần chèo lái vững vàng trên con sông quê hương.

Trước nhất, cần minh định rằng bóng đá lẫn đội tuyển Việt Nam chưa hề vượt trội so với các quốc gia láng giềng. Đúng là đội tuyển Việt Nam đã tiến rất xa và hãnh diện xưng danh “số một Đông Nam Á” song không trên tầm đẳng cấp theo kiểu “hơn một cái đầu”. Tại kỳ AFF Cup gần nhất, thầy trò Park Hang Seo đã để thua kình địch Thái Lan tại bán kết. Ngoài ra, những đối thủ như Indonesia hay Malaysia vẫn gây nhiều khó khăn cho tuyển Việt Nam.

Mở rộng vấn đề, bóng đá Việt Nam càng không thể xem là phát triển căn cơ bằng Thái Lan. Kết thúc mùa giải 2022, vẫn có đội bóng V-League thanh lý hợp đồng toàn bộ đội bóng vì không có tiền. Tháp bóng đá vẫn theo hình kim tự tháp ngược khi giải V-League có số đội tham dự nhiều hơn giải Hạng Nhất. Và ở câu chuyện xuất ngoại, nếu nhiều tuyển thủ Thái Lan thành công tại nước ngoài thì cầu thủ Việt vẫn gian nan trên con đường định danh.

Một khía cạnh khác, thật viển vông nếu cho rằng bóng đá Việt Nam sẽ vượt lên trên tầm khu vực, nhất là một khu vực có nhiều sự tương đồng về văn hóa, kinh tế và thể chất như Đông Nam Á. Thực tế, các nền bóng đá trong cùng khu vực sẽ phát triển tịnh tiến nhờ sự ganh đua. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển. Bóng đá Thái Lan cuối thập niên 1990, đầu 2000 từng thất bại vì bỏ qua khu vực để tiến tới tầm châu Á, rốt cuộc lại bị các quốc gia láng giềng bắt kịp. Bởi vậy, AFF Cup vẫn là mục tiêu thiết thực cần hướng tới.

Bóng đá Việt Nam - Giấc mơ World Cup và nội tình mặt cỏ Mỹ Đình (Hình 3).

3. Nhưng, vẫn nhưng, trước khi mơ World Cup, chúng ta đã chuẩn bị như thế nào cho AFF Cup 2022? Trong khi sân bóng của các quốc gia khác đều có mặt xỏ xanh mượt, được cắt tỉa chỉn chu thì mặt cỏ sân Mỹ Đình xơ xác và héo úa. "Mặt cỏ sân Mỹ Đình chưa thực sự tốt lắm nhưng toàn đội cũng dần phải làm quen với điều này. Đây là khó khăn chung của đội tuyển Việt Nam và đội Malaysia. Sân có nhiều mảng bị lún. HLV Park yêu cầu chúng tôi mang giày đinh sắt để tập luyện và thi đấu", trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh phát biểu trước truyền thông trong buổi tập mới đây.

Điều này dấy lên những phản ứng trái chiều trong dư luận. Theo lý giải của ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao: “Đây không phải vì thiếu kinh phí mà chúng ta quên bảo dưỡng. Việc bảo dưỡng và chăm sóc trong một tháng qua vẫn được tiến hành đều đặn nhưng do thời tiết Hà Nội khắc nghiệt, nắng ít, nên mặt cỏ không xanh như mong đợi. Tuy nhiên, AFC cũng đã kiểm tra và đánh giá sân đạt yêu cầu. Thực sự chúng tôi đã nỗ lực nhưng không đạt được như mục tiêu đã đề ra, đó là sự đáng tiếc”.

Thức tế không phải “chờ” đến AFF Cup, sân Mỹ Đình mới gây ra những điều tiếng. Từ trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Dortmund, sân vận động nằm trong Khu liên hiệp thể thao Quốc gia đã để lại những hình ảnh không đẹp, đáng kể nhất là sự cố khung thành. Về vấn đề này, đại diện của Tổng cục thể dục thể thao cho biết các khâu chuẩn bị đều được thực hiện kỹ lưỡng để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Sự cố ở trận giao hữu Việt Nam - Dortmund là do sơ suất khi thi công thiếu một ốc vít phía trong.

“Cầu môn này là cầu môn lắp ráp để dễ tháo lắp, vận chuyển, không khó khăn như thời kỳ trước là sắt nguyên khối. Trong lúc chuyển giao đã có sự không sát sao. Cả bên lắp ráp và bên chủ đầu tư đều có lỗi. Họ bỏ sót những ốc vít chìm bên trong. Khi thủ môn Dortmund nhảy lên, cầu môn đã bật ra. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm sau sự cố này”, ông Việt cho biết.

Chia sẻ thêm những khó khăn của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, đơn vị quản lý sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nói: "Khu Liên hợp Thể thao Mỹ Đình đã xảy ra những khó khăn, như việc các hợp đồng liên doanh, liên kết, các đơn vị thuê đã đóng thuế đầy đủ, nhưng cũng có một số công ty không làm đúng quy định của pháp luật. Thuế đất ở khu Liên hợp đã lên hơn 800 tỷ đồng và bị cưỡng chế. Tổng cục TDTT và Bộ VH, TT&DL đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi đang xin phương án để đóng khung thuế để sau này xử lý. Trước mắt Khu Liên hợp cần tiếp tục hoạt động. 104 cán bộ, chỉ còn hơn 90 người làm cho Khu Liên hợp, nhiều người gặp khó khăn về lương".

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là đơn vị tự hoạch định thu chi. Tuy nhiên dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc, đơn vị này có nhiều sai phạm và nợ thuế hơn 800 tỷ và không có khả năng chi trả thuế. Mỗi khi sân được cho thuê, khoảng 800 triệu mỗi trận, khoản lớn sẽ phải dùng để trả nợ thuế, và không đủ khả năng chi trả lương cho nhân viên.

Có lẽ, trước khi mơ World Cup, bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung cần xử lý triệt để những vấn đề nhức nhối nội tại. Điển hình như chuyện một đội bóng thanh lý hợp đồng toàn bộ cầu thủ ngay trước Tết trong sân bóng lớn nhất nước không đủ khả năng trả lương cho nhân viên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.