Tại buổi tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn", do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 14/11, GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K đã nêu những khó khăn khi bệnh viện thực hiện tự chủ.
Theo ông, đầu tiên là vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và công nghệ? Thứ hai là tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế thì liệu có đủ để chi trả không? Chắc chắn bệnh nhân sẽ phải chi trả nhiều hơn.
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K: Trước mắt chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư 3-4 năm, sang năm thứ 5 chúng tôi đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện - Ảnh: VGP/Quang Thương
Thách thức nữa là cạnh tranh với bệnh viện tư nhân. BV không phải cạnh tranh với tư nhân vì không tự chủ thì bệnh nhân vẫn đến đông. Các bệnh viện khác cần tự chủ để người ta phải cạnh tranh. Muốn cạnh tranh với Bệnh viện Bạch Mai hay K thì người ta phải đầu tư cái gì đấy mới mẻ, phải năng động và tốt hơn để nếu Bệnh viện Bạch Mai quá tải thì chuyển sang các viện kia.
Về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cơ hội là khi tự chủ thì bệnh nhân đến đông hơn. Nếu Bệnh viện K đến đông hơn thì bệnh viện cũng quá tải vì cơ sở chỉ có thế, con người cũng theo mức độ như vậy. Ngay cả vừa rồi, BV tăng 30-40% số bệnh nhân đến khám so với thời kỳ trước dịch thì vẫn quá tải.
“Chúng tôi còn nhiều thách thức nữa. Nói vui, cũng có khi mất đoàn kết nội bộ vì tôi thấy ai không làm được việc thì tôi phải chuyển chỗ khác. Thậm chí có người phải văng ra ngoài vì tôi tự chủ, tôi cần con người làm được việc cho tôi. Một số cá nhân không làm được việc, tôi phải giảm lương; đấy cũng là thách thức. Tôi tìm hiểu thấy có 18 thách thức chứ không phải ít”, Giám đốc BV K chia sẻ.
GS Lê Văn Quảng cho biết, máy móc xã hội hóa vẫn hoạt động bình thường vì đã thanh tra, kiểm tra, không có vấn đề gì nên vẫn thực hiện bình thường. Nguồn thu của Bệnh viện cũng có nhưng không nhiều. Đặc biệt, năm dịch vừa qua, nguồn thu của bệnh viện giảm đi 1/3.
“Về máy móc, trước đây, chúng tôi có 9 máy xạ trị. Bây giờ chúng tôi chỉ còn 5 cái hoạt động. Cái thì hết thời hạn khấu hao, cái thì sử dụng hết niên hạn. Hiện tại, bệnh nhân ung thư chúng tôi phải chạy máy xạ trị, mỗi máy ít nhất 2-3 tiếng, có máy 24 tiếng, gần như bệnh nhân thức cả đêm để chạy xạ.
"Để đáp ứng được nguồn bệnh nhân xạ trị như hiện nay thì BV phải cần 10 máy nữa. Nếu tự chủ nhóm 1, 2, dựa vào công thức thì tương đối vì nếu tôi và anh Cơ (Giáo đốc BV Bạch Mai - PV) dành được 200 tỷ đồng, mua 1 cái máy xạ trị đã mất 130 tỷ đồng, 10 máy 1.300 tỷ đồng, không biết đến bao giờ mới đầu tư xong. Do vậy, trước mắt, BV rất muốn Nhà nước đầu tư 3-4 năm, sang năm thứ 5, BV đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện, lúc đấy không có vấn đề gì cả".
Trước mắt đáp ứng được không, nếu bỏ hết tiền ra để đầu tư thì một cũng không đủ. Mà mỗi năm đầu tư được 1 cái, đầu tư được cái tiếp theo thì cái trước đã hỏng vì chạy 24/24 thì không máy nào chịu nổi. Máy chụp cắt lớp chúng tôi phải làm đến 23h đêm nhưng vẫn phải đảm bảo. Máy CT từ 6h-18h mới hết. Chúng tôi phải chia ca để đảm bảo cho bệnh nhân. Bệnh viện vẫn đáp ứng được nhưng vẫn phải cố, cố không biết đến bao giờ vì cũng chỉ có giới hạn. Máy hoạt động thế thì không thể đảm bảo được nhu cầu phục vụ”, GĐ BV K nói.
Bệnh viện K với đặc thù phải điều trị lâu dài. Nếu tự chủ theo giá dịch vụ thì bệnh nhân phải chi trả một nguồn rất lớn. Do đó, Giám đốc BV K đề xuất, Nhà nước đầu tư 3-5 năm. Khi đó, BV có đủ máy móc, có được tích lũy rồi thì lúc đó BV xin tự chủ theo nhóm 1 (tự chủ toàn diện) của Nghị định 60. Như thế sẽ đỡ vất vả cho bệnh viện và cũng đảm bảo được an sinh xã hội tốt hơn. Bởi nhu cầu máy móc cho bệnh nhân bây giờ là rất cần thiết.
DIỆU THU