Sáng 4/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Hội nghị đã có 14 ý kiến tham luận và phát biểu ý kiến, trong đó, có ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, HĐND, Đoàn ĐBQH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành.
Đã rà soát, xem xét 24 vụ việc phức tạp, kéo dài
Là cơ quan tổng hợp giúp Chính phủ xây dựng báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ 1/7/2016 đến 1/7/2021, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ rất cần thiết.
Ông Liêm cho rằng, việc thực hiện giám sát giúp Quốc hội đánh giá chính xác, toàn diện, khách quan công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong 5 năm qua và ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Qua đó làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin, đến nay, qua rà soát tại các tỉnh, thành phố, vẫn còn 979 vụ việc đang được các địa phương tích cực giải quyết, trong đó 35 vụ việc xác định là phức tạp kéo dài.
Trong số này, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra, rà soát được 24 vụ việc tại 10 địa phương. Qua việc thực hiện giám sát năm 2022 sẽ giúp Chính phủ xem xét cụ thể các vụ việc Chính phủ đã rà soát nhưng các địa phương vẫn chưa có giải pháp dứt điểm, để tập trung xử lý nghiêm.
Thảo luận về giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2022, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, với tư cách là cơ quan tham gia giám sát, đồng thời cũng chịu sự giám sát, cơ quan này đã tham gia ngay từ đầu đối với 4 chuyên đề giám sát trong năm 2022, đặc biệt là 2 chuyên đề giám sát tối cao.
Về các nội dung trọng tâm trong chuyên đề giám sát về quy hoạch và thực hành tiết kiệm, Kiểm toán Nhà nước đã góp ý cho Ban soạn thảo và thấy rằng Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
Cũng theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan này đã kiểm toán xong chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị ở một số địa phương, đặc biệt Hà Nội và Tp.HCM. Cơ quan này cũng sẽ tập trung tổng hợp ý kiến, kết luận ngay trong tháng 11, 12/2021.
Ông Tuấn Anh cũng đề nghị, trong quá trình phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương, cần có chỉ đạo thống nhất về việc cung cấp số liệu cho đoàn giám sát cũng như cho Kiểm toán Nhà nước phải thống nhất về mốc thời gian, về số liệu, cũng như các báo cáo, để sau này phân tích, đánh giá gửi cho đoàn giám sát đồng bộ khách quan.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ đồng tình cao với chủ trương giám sát của Quốc hội từ sớm, từ xa. Đây là chủ trương mới tạo chủ động cho các cấp và sự phối hợp tốt giữa các cơ quan. Có nhiều đổi mới về cách làm và cần tổ chức thực hiện tốt cách làm.
Ông Thực cho rằng, quá trình giám sát cần lắng nghe nhiều kênh đa chiều để có nhận xét đánh giá, ưu điểm - hạn chế sát thực tế. Vì trong giám sát thì ưu điểm, hạn chế phải nói rõ, kể cả những sai phạm bởi đây là yếu tố quan trọng.
“Những việc liên quan đến quy hoạch, tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí là những nội dung rộng. Thực tế có những vụ việc đã có kết luận thanh tra, kết luận kiểm tra, giám sát nhưng chưa thực hiện.
Các đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ để làm rõ nguyên nhân tại sao chưa thực hiện các kết luận ngay trong lúc giám sát, đối tượng được giám sát phải thực hiện các kiến nghị đó”, ông Thực nhấn mạnh.
Điều chỉnh thời gian giám sát
Tại điểm cầu Tp.HCM, ông Hà Phước Thắng – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM cho rằng, kế hoạch của các đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xác định thời gian dự kiến triển khai hoạt động giám sát tại địa phương.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, không ngoại trừ trường hợp phải điều chỉnh thời gian làm việc. Do đó, ông kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo điều phối chặt chẽ các hoạt động của hội đồng giám sát.
Kiến nghị các loại hình giám sát sớm xác định các địa phương được giám sát theo từng chuyên đề cụ thể, tránh trường hợp các đoàn giám sát có thể về làm việc với 1 địa phương trong cùng 1 thời gian cận kề nhau, để đoàn ĐBQH địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào các hoạt động đóng góp chung.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM cũng đề nghị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp các kiến nghị sau giám sát của các đoàn ĐBQH địa phương để chuyển đến các bộ, ngành xem xét giải quyết và sớm có ý kiến trả lời các địa phương.
Tại điểm cầu Hà Nội, bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội cho biết, trong 4 chương trình giám sát của Quốc hội thì Hà Nội có 2 nội dung phải báo cáo kết quả xong trong tháng 1/2021, một nội dung xong trong tháng 2/2021.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn được điều chỉnh về thời gian đối với các địa phương giám sát, vì thời gian cuối năm là về đích nhiều nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bà Hà cũng cho biết, thường trực HĐND Tp.Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong đó có việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện qua giám sát cho cơ quan điều tra để xử lý, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát.