Tận dụng thời gian để dập dịch
Chiều tối 14/6, sở Y tế và sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp tổ chức họp báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Cuộc làm việc dự kiến chỉ trong 1 giờ nhưng phải kéo dài gấp đôi vì nhiều vấn đề được thảo luận.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, sự thành công tùy theo mức độ mầm bệnh đang có trong cộng đồng. Cùng với đó là người dân có chấp hành tốt biện pháp giãn cách hay không.
Như chuỗi lây nhiễm là điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, cơ quan y tế đã truy vết tất cả, đến các F3 hay F4, chỉ trừ khi người bệnh cố tình che dấu. Thành quả là số ca nhiễm đã giảm dần, ổ dịch được khống chế.
"Thời gian mới đây, chúng ta đã phát hiện 48 ca nhiễm Covid-19 khi người dân đến bệnh viện được sàng lọc. Nếu không cảnh giác mà để nhóm này đi sâu vào bệnh viện thì hậu quả khó lường”, ông Dũng nói.
Nhìn chung, mầm bệnh dịch Covid-19 đang len lỏi trong cộng động tại TP.HCM, song song với chuỗi lây nhiễm là điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được phát hiện trước đó.
Vì thế, nếu không tiếp tục giãn cách xã hội, mầm bệnh sẽ bùng phát do người dân gia tăng tiếp xúc, làm việc, ăn uống, vui chơi.
Nhưng vì sao chỉ giãn cách xã hội thêm 2 tuần? Bác sĩ Dũng cho hay, các tổ chức y tế trên thế giới cho rằng thời gian ủ bệnh chỉ là 14 ngày vì đó là tối đa trong chu kỳ nhân lên của virus SARS-CoV-2. Cho nên, sau 14 ngày thì cơ hội lây lan dịch bệnh rất thấp. Tuy nhiên, vì không phải người bệnh nào cũng có triệu chứng, với tỉ lệ thấp nên cần giám sát cẩn thận.
Lãnh đạo HCDC khẳng định, trong 2 tuần sắp tới không có nghĩa là số lượng ca bệnh sẽ giảm. Nhưng đó là thời gian vừa đủ để đánh giá tình hình dịch bệnh tại TP.HCM. Mỗi tuần, cơ quan y tế sẽ tham mưu cho chính quyền trong việc đánh giá tình hình để quyết định tăng cấp, giữ nguyên hay giảm cấp giãn cách xã hội tại các khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cũng nhận định, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TP.HCM phát hiện thêm các chuỗi lây nhiễm khác nhưng chưa khống chế được. Vì thế, ngành y tế và chính quyền phải tận dụng thời gian giãn cách xã hội để khoanh vùng dập dịch.
“Nhưng dù cho thực hiện theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 đều ảnh hưởng đời sống người dân. Chúng tôi hiểu điều này nhưng rất mong người dân cần hợp tác với chính quyền, ngành y tế để tình hình dịch bệnh được cải thiện tốt hơn”, ông Hưng phát biểu.
Lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho rằng, trong 2 tuần qua, hầu hết người dân Thành phố đã chấp hành tốt biện pháp chống dịch nhưng vẫn còn một số ít người dân tụ tập.
Do đó, ngành y tế đề nghị người dân hạn chế tiếp xúc, nên chỉ trong nhà. Môi trường sống cần thông thoáng, đặc biệt là hạn chế sử dụng điều hòa, nếu có thì nên để trên 27oC.
Có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà
Nói về việc cách ly tại nhà đối với F1, ông Hưng cho biết, quy định hiện tại vẫn là cách ly tập trung với F1 và cách ly tại nhà với F2. Tùy theo kết quả xét nghiệm của F1 để thay đổi hình thức cách ly với F2.
Về mặt dịch tễ, F2 nguy cơ thấp hơn F1. Giải pháp cách ly tại nhà với F1 có thể làm được. Thực tế cũng đã có nhiều quốc gia thực hiện.
Đối với người cách ly tại nhà, tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn vì họ được ở với người thân. Cũng là lợi ích cho cơ sở vật chất so với cách ly tập trung trong tình huống quá nhiều F1.
Nhưng vị lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cũng cảnh báo: “Không phải nhà nào cũng đủ điều kiện cách ly tại nhà. Cho nên bộ Y tế đã có chỉ đạo, nếu trường hợp đó không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải tập trung dù là F2”.
Chưa kể đến, việc quản lý người cách ly tại nhà còn nhiều bất cập, chủ yếu sự tự nguyện từ người thực hiện. Họ phải cam kết ở phòng riêng, hạn chế ra khỏi phòng, tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Mỗi nhà sẽ có cán bộ y tế đến giám sát theo lịch trình. Vì thế, nguy cơ trong công tác giám sát tuân thủ quy định cách ly nếu F1 cách ly tại nhà sẽ cao hơn rất nhiều.
“Việc này, sở Y tế TP.HCM đang cân nhắc. Quan điểm của tôi là cần thí điểm một số khu vực. Nguyên tắc tối thượng là đảm bảo an toàn cho công động. Chúng ta có thể sử dụng công nghệ để giám sát, dĩ nhiên phải tính toán để phù hợp pháp luật, tránh ảnh hưởng”, ông Hưng trình bày.
Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi vì sao TP.HCM không làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để đẩy nhanh tiến độ thay vì xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC trả lời, theo WHO, cần có xem xét kỹ khi dùng phương pháp test nhanh.
“Đánh giá không chỉ đơn giả là kết quả mà còn độ nhạy, độ đặc hiệu và tính tương đối. Nơi có tỉ lệ bệnh cao, độ nhạy sẽ tăng. Giám sát nơi tỉ lệ bệnh thấp thì độ nhạy không cao, dẫn dến có thể bỏ sót ca bệnh”, ông Dũng nói.
Đánh giá về hiệu quả y tế, tốc độ lấy mẫu của 2 phương pháp cũng tương đương. Còn hiệu quả kinh tế thì tùy quan điểm của mỗi bên. Lực lượng y tế rất vất vả, chạy đua thời gian nên việc ra chỉ định phải cân nhắc để làm sao có lợi nhất.