Giáo dục Thuỵ Điển: Không điểm số, không thứ hạng nhưng khả năng sáng tạo vô biên

Thứ 7, 18/03/2023 16:55

Triết lý giáo dục ở Thụy Điển có rất nhiều ưu điểm khiến cho học sinh có thể phát huy hết thế mạnh của mình, mang tới cảm giác hạnh phúc khi được tới trường học.

Xã hội ngày càng phát triển, giáo dục khai phóng nhiều hơn, người ta dần nhận ra rằng, giáo dục nghiêm khắc bắt trẻ phải nghe theo răm rắp sẽ khiến chúng ngày càng chán nản, kém cỏi, thiếu khả năng sáng tạo.

Trên thực tế, khả năng sáng tạo là một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều so với điểm số hay việc học thuộc lòng theo sách giáo khoa. Thụy Điển – 1 trong 5 quốc gia Bắc Âu là một ví dụ điển hình nhất khi theo đuổi phương pháp giáo dục khai phóng cho học sinh.

img

So với Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… thành tích của học sinh lớp 4 và lớp 8 ở môn Toán và các môn Khoa học của Thụy Điển không quá ấn tượng. Tuy nhiên, theo Chỉ số sáng tạo toàn cầu (Global Creativity Index) của 82 quốc gia do Học viện Thịnh vượng Martin Trường Quản lý Rotman, Đại học Toronto (Canada) thực hiện, Thụy Điển đứng đầu về chỉ số sáng tạo, còn Phần Lan và Đan Mạch cũng nằm trong top đầu.

Khảo sát này dựa trên 3T, một chỉ số quan trọng để dự đoán sự phát triển kinh tế của một đất nước trong tương lai: Mức độ sử dụng công nghệ quốc gia (Technology), sức sáng tạo trong lao động (Talent) và lòng khoan dung (Tolerance) làm các tiêu chí đánh giá.

Nhìn chung, hệ thống giáo dục ở Bắc Âu khá giống nhau nhưng điều gì khiến Thụy Điển có thể đào tạo ra những chủ nhân tương lai có tính sáng tạo cao như vậy?

Các trường tự chọn khuyến khích giáo dục đa dạng

Giáo dục bắt buộc ở Thụy Điển kéo dài 9 năm, đối với trẻ từ 7 đến 16 tuổi. Nhà trường sẽ miễn phí từ sách giáo khoa, bữa trưa cho đến phương tiện đi lại.

Ngoài sự lựa chọn trường công lập và trường tư thục, phụ huynh còn có thêm lựa chọn thứ 3 là các trường tự chọn. Đây là trường do chính phủ trợ cấp và do tư nhân điều hành, học sinh được miễn học phí như học sinh trường công, được học tự chọn và không cần đóng thêm bất kỳ khoản học phí nào.

img

Chính phủ Thụy Điển triển khai trường tự chọn trong cuộc cải cách giáo dục năm 1992, được kỳ vọng sẽ bổ sung những thiếu sót có trong các trường công, mang tới cho học sinh môi trường giáo dục đa dạng hơn.

Ngày nay, có khoảng 750 trường tự chọn ở Thụy Điển, chiếm 16% tổng số trường và 12% tổng số học sinh. Các trường tự chọn này có quy mô nhỏ, nhưng cung cấp nhiều sự lựa chọn như trường dành cho các em thích thể thao, trường với các khóa học đặc biệt, trường dành cho người theo đạo Hồi…

Tuổi thơ của học sinh không có bảng điểm

Trẻ em ở Thụy Điển không nhận được phiếu điểm cho đến khi 12 tuổi và giáo viên không xếp hạng học sinh. Học sinh sẽ không so sánh và cạnh tranh với nhau. Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với học sinh không phải là giành vị trí đầu tiên mà là vượt qua chính mình.

Ngoài ra, giống như triết lý giáo dục ở hầu hết các nước Bắc Âu, ở Thụy Điển không có học sinh giỏi và học sinh kém, mọi người đều như nhau.

img

Trong lớp học, giáo viên thường dành rất nhiều công sức và thời gian cho những học sinh học chậm hơn. Điều này cũng gây ra một số tranh cãi ở Thụy Điển.

Họ lo lắng rằng, những sinh viên có nhận thức tốt sẽ cảm thấy nhàm chán trong lớp học và sẽ không thể tiến bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của lớp trẻ trong tương lai.

Về sau, cách giáo dục này cũng có những thay đổi ít nhiều, những học sinh xuất sắc sẽ có thêm nhiều cơ hội học những khóa học khác nhau.

Giáo dục bình đẳng giới lồng ghép trong tất cả các môn học

Thụy Điển là một quốc gia thoải mái trong việc tiếp nhận người nhập cư. Tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa cũng được thể hiện rõ trong các chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho những cư dân mới.

Theo luật Thụy Điển, nếu một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha hoặc mẹ không phải là người Thụy Điển, chính phủ có nghĩa vụ cung cấp 90 phút học tiếng mẹ đẻ mỗi tuần.

img

Do giáo viên ở mỗi trường khác nhau nên nhiều em có thể phải đến trường khác để đủ số học sinh đến lớp, chính phủ cũng buộc phải cung cấp thêm dịch vụ đưa đón học sinh.

Ngoài ra, mỗi trẻ được học khoảng 2 giờ tiếng Anh mỗi tuần bắt đầu từ 7 tuổi. Bắt đầu từ 12 tuổi, học sinh có thể chọn học thêm ngoại ngữ thứ 2. Các trường có các lựa chọn khác nhau cho ngoại ngữ thứ 2, phổ biến nhất là tiếng Đức và tiếng Pháp. Trong những năm gần đây, tiếng Trung cũng trở nên phổ biến.

Học sinh không được phép ở lại lớp học sau giờ học

Ở Thụy Điển, các hoạt động ngoài trời rất quan trọng, ngay cả trong mùa đông lạnh giá, trẻ em vẫn được khuyến khích ra sân chơi sau giờ học.

Thầy cô thường không cho học sinh ở trong lớp sau giờ học mà phải ra ngoài hít thở không khí trong lành.

img

Nhà trường cũng sắp xếp 2 ngày học ngoài trời trong mỗi học kỳ, còn được gọi là “ngày hít thở không khí trong lành”. Ngoài việc mong muốn học sinh có thể rời xa thành phố nhộn nhịp, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên, giáo viên còn đưa học sinh vào rừng để học thêm nhiều kiến thức thực tế khác nhau như hái nấm và các trò chơi ngoài trời.

Ngoài ra, các trường tiểu học Thụy Điển rất coi trọng giáo dục thực hành và thủ công, chiếm 50% tổng số chương trình giảng dạy, bao gồm các môn học như giáo dục công dân, giáo dục thể chất, âm nhạc, nghệ thuật, may vá, làm đồ gỗ và gia công kim loại.

Việc giáo dục đa dạng, tự do, bình đẳng ngay khi trẻ em còn nhỏ đã tạo ra sự khác biệt lớn trong nền giáo dục ở Thụy Điển. Việc chính phủ nhấn mạnh vào học nghề, sự tôn trọng đối với phát triển cá nhân chứ không phải triết lý giáo dục về so sánh và cạnh tranh giúp hầu hết học sinh phát huy hết tài năng của mình.

NHẬT DƯƠNG (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.