Giáo sư Mỹ khuyên người trẻ Việt hướng đi thành công từ lĩnh vực Nông nghiệp

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 6, 16/12/2022 16:27

Nghiên cứu Nông nghiệp là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh và có nhiều cơ hội học tập, phát triển trên khắp thế giới.

Điều quan trọng là truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ xây dựng niềm đam mê, hứng thú, giống như cách Giải thưởng VinFuture đang làm thông qua việc tôn vinh những công trình nghiên cứu tiêu biểu.

Đó là chia sẻ của GS Pamela C.Ronald – Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis (Mỹ) ngay trước ngày tới Việt Nam tham dự Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022.

“Tôi biết mình phải đóng góp cho xã hội”

Tại Tuần lễ Khoa họa Công nghệ VinFuture 2022, GS Pamela C.Ronald sẽ có buổi chia sẻ đáng chờ đợi trong phiên họp “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”, nằm trong khuôn khổ chuỗi tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” diễn ra ngày 19/12. Vị nữ GS đang công tác tại Đại học California, Davis là nhà khoa học nổi tiếng đã phân lập thành công loại gen giúp cây lúa có thể chống chọi với điều kiện ngập nước kéo dài.

Kinh tế - Giáo sư Mỹ khuyên người trẻ Việt hướng đi thành công từ lĩnh vực Nông nghiệp

Giáo sư Pamela C. Ronald - Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis

Chia sẻ câu chuyện của mình trước ngày lên đường tới Việt Nam, vị GS nhớ lại, vào năm 1995, khi bà vừa tham gia vào một dự án nông nghiệp và khám phá về quá trình phân tách gen. Khi ấy, có rất nhiều người nông dân bị mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng lũ lụt. Hàng năm, có tới 4 triệu tấn gạo bị phá hủy vì những trận lũ - số lương thực đủ để phục vụ nhu cầu của 30 triệu người. Bà cũng từng tới Bangladesh, một quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng. Những hình ảnh tại đất nước ấy đã ảnh hưởng mạnh tới vị nữ GS.

Bởi thế, ngay khi được một đồng nghiệp mời tham gia dự án phát triển giống lúa có khả năng chịu ngập, nữ GS không ngần ngại đồng ý. “Bố tôi là người tị nạn. Ông là thế hệ đầu tiên trong gia đình chuyển tới Mỹ sinh sống. Chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng được hưởng điều kiện về giáo dục và có cơ hội để phát triển bản thân như mình. Chúng tôi biết mình cần phải đóng góp cho xã hội như một cách để đền ơn”, bà nhớ lại.

Từ quyết tâm ấy, một giống lúa mang loại gen mới có thể tồn tại 2 tuần trong điều kiện ngập nước đã được GS Pamela C.Ronald và đồng nghiệp phát triển thành công. Phần lớn các giống lúa trên thế giới khi ấy không thể sống quá 3 ngày trong điều kiện tương tự. Giống lúa mới này sau đó đã tới tay 6 triệu người nông dân Ấn Độ và Bangladesh và chứng minh được khả năng trong thực tiễn.

Liên hệ tới Việt Nam thời điểm này, theo bà, đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như lũ lụt, bão, lũ quét… với tần suất cao. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là lúa gạo – sản phẩm nông sản quan trọng của ngành lương thực quốc gia.

Bởi vậy, riêng với Việt Nam, bà cho rằng, ngoài việc bảo tồn các giống lúa hiện tại, cần hỗ trợ cho các dự án phát triển giống lúa mới. Bà đơn cử về giống lúa chịu mặn khi tình trạng ngập mặn đang diễn ra ở nhiều nơi và người nông dân sẽ cần những biện pháp để ứng phó.

Từ VinFuture, truyền cảm hứng nghiên cứu cho thế hệ trẻ

Bên cạnh câu chuyện về giống lúa ngập của mình, trong chuyến đi tới Việt Nam, điều chờ đợi với GS Pamela C.Ronald là cơ hội được chia sẻ với những nhà khoa học và cả những người trẻ tuổi tại Việt Nam.

Dành nhiều tâm huyết nói về việc phát triển thế hệ nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực Nông nghiệp, theo nữ GS, tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ có gia đình làm nghề nông. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đều có chung suy nghĩ rằng làm nông nghiệp sẽ không giúp họ kiếm ra tiền và phát triển. Trong khi ấy, thực tế, nông nghiệp và đặc biệt là nghiên cứu trong lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh ở quy mô toàn cầu. Bởi thế, những người theo đuổi lĩnh vực này sẽ có hội học tập và phát triển khắp thế giới.

Kinh tế - Giáo sư Mỹ khuyên người trẻ Việt hướng đi thành công từ lĩnh vực Nông nghiệp (Hình 2).

Hiện tại, ngay tại phòng thí nghiệm nơi GS Pamela C.Ronald đang làm việc cũng có một nhà khoa học tới từ Việt Nam. Bà khẳng định, được làm việc với nhà khoa học Việt là một “điều tuyệt vời”.

“Các bạn trẻ có thể theo đuổi các lĩnh vực như di truyền học, nhân giống cây và có cơ hội học lên cao học. Những kiến thức học được sẽ giúp bạn có những phát minh và khám phá mà một ngày có thể giúp ích trực tiếp cho chính của gia đình bạn”, bà nói.

Quan trọng hơn, theo bà, việc giáo dục và truyền cảm hứng đóng vai trò quan trọng nhằm giúp những người trẻ tuổi hiểu rằng, làm nông nghiệp cùng hoàn toàn cũng có thể dẫn tới thành công. Liên hệ tới Giải thưởng VinFuture lần thứ 2 sắp diễn ra tại Việt Nam, GS Pamela C.Ronald nhận định, đây sẽ là cơ hội quý xây dựng niềm đam mê, hứng thú với nghiên cứu cho thế hệ trẻ, thông qua việc tôn vinh những công trình tiêu biểu và cập nhật những tiến bộ khoa học mới nhất của nhân loại.

Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2022 sẽ diễn ra từ ngày 17 - 21/12/2022 tại Hà Nội:

- Ngày 17/12: - Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture

                     - Diễn thuyết truyền cảm hứng “Đổi mới Hiện tại, Kiến tạo Tương lai”

- Ngày 19/12: Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”

- Ngày 20/12: Lễ trao giải VinFuture 2022

- Ngày 21/12: Chào tương lai: Giao lưu cùng Chủ nhân Giải thưởng VinFuture

Thu Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.