Giáp mặt “giang hồ” ăn bám chốn cửa thiền

Giáp mặt “giang hồ” ăn bám chốn cửa thiền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Một đội quân, hoạt động dưới sự giám sát và những "luật ngầm" được quy định rõ ràng, bất cứ ai muốn kiếm sống bằng cái nghề này tại đây cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Đó là nghề cúng thuê, kiêm phu khuân vác đồ ở chùa Gia Lào trên đỉnh núi Chứa Chan (Đồng Nai). Nhìn bên ngoài cứ tưởng cái nghề này mạnh ai nấy kiếm sống, nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Nhận diện "đầu gấu" ở cửu thiền

Vừa chạy xe máy qua khỏi cửa bán vé lên núi một đoạn, chúng tôi đã thấy một người phụ nữ chạy xe theo mình.

Đợi khách gửi xe ra người phụ nữ xấn tới mời mọc: "Nhà chùa không nhận tiền cúng dường, lên đó con mua đèn nhang, muối gạo cúng chùa thì mua dùm cô nha".

Khi đã có khách thì đám cò cúng thuê không bao giờ chịu buông ra dễ dàng. Họ sẽ theo khách lên tận trên đỉnh núi, vừa đi vừa giải thích, giới thiệu thậm chí là hăm dọa rằng khu vực này linh thiêng như thế nào bằng những câu chuyện kể sặc mùi mê tín dị đoan.

Người phụ nữ vẫn bám theo chúng tôi leo lên những bậc thang đá, dọc hai bên đường san sát những hàng quán bán đủ các loại từ nhang đèn, muối gạo, đến rễ cây làm thuốc đua nhau mời khách mua hàng.

Thấy tôi vác theo cái ba lô khá nặng bà ta ngọt nhạt: "Có gì quan trọng thì mang lên, còn không thì gửi lại mấy quán dưới này cho khỏi nặng. Không thì cứ đi lát nữa cô vác phụ cho".

Rồi lại giới thiệu: "Hai con có cần khấn vái xin bình an, giải hạn tam tai thì cô cúng dùm cho. Cô cúng giúp cho thôi, tùy lòng cho bao nhiêu cũng được. Nhiều người Việt kiều hoặc ở thành phố không về cúng được chỉ cần gọi điện về kêu cô cúng dùm, tới cuối năm về họ mới trả tiền đấy".

Xã hội - Giáp mặt “giang hồ” ăn bám chốn cửa thiền

Cận cảnh bà Bình, một cò cúng thuê núi Chứa Chan.

Rồi người phụ nữ nói không ngừng về chuyện cây 3 gốc chỉ có một ngọn rất linh thiêng, ai cầu gì đều được toại nguyện như ý.

"Hồi trước, vùng này nhiều sơn lam chướng khí, núi rừng um tùm, cây cao chót vót. Có đám lâm tặc lên đây cưa xẻ cây gỗ, duy chỉ có cây 3 gốc một ngọn là chúng cưa không được, cứ đưa lưỡi cưa nào vào thì lưỡi cưa đó gãy. Có tay tức khí dùng rìu bổ thì lưỡi rìu văng ra, sau đó hắn tự dưng bị đá đè chết. Từ đó bà con mới biết cây có thần linh ngự ở trong nên thờ cúng", người phụ nữ này dọa dẫm.

Theo người phụ nữ này thì gốc cây này nếu ai có bệnh tật chỉ cần tới đó cúng là sẽ khỏe mạnh, nhất là hạn tam tai: "Như cô này, cô tuổi Thìn năm nay là năm cuối của hạn tam tai. Năm nào cô cũng phải lên gốc cây đó cúng xin bình an. Mà tự cô cúng cũng không được, cô phải nhờ một người khác cúng dùm mới linh nghiệm".

Chúng tôi chỉ ậm ừ ra chiều không quan tâm tới những điều đó, nhưng người phụ nữ vẫn cực kỳ nhiệt tình đeo bám. Có lẽ bà ta đã quá quen với cách phản ứng như vậy của khách vì đã có thâm niên làm cò cúng ở đây.

Thường thì những khách kéo đến núi này nườm nượp mỗi ngày đều là những người mê tín và có lòng hành hương cúng phật. Vậy nên sẽ dễ tin vào những lời đồn thổi dị đoan của đội quân buôn thần bán thánh, bỏ tiền ra với giá "cắt cổ" mua lễ vật cúng trời phật, sơn thần, để cầu bình an, may mắn cho mình.

Dừng chân nghỉ trước quán nước một người đàn ông tên Dũng, thấy khá nhiều người vẫn lên núi dù đã về chiều, chúng tôi ngạc nhiên hỏi.

Anh cười bảo: "Làm gì tới 3 cây số, đó là những người cúng thuê nói với khách vậy thôi, khách nào tuổi cao, sức khỏe yếu nghe thôi đã sợ không lên nổi sẽ nhờ họ cúng dùm, mấy anh địa chất mang dây tới đó rồi, chỉ có 1,5 cây số thôi".

"Luật ngầm" trong giới cúng thuê

Khi biết chúng tôi lên núi không có ý định cúng lễ gì mà đi tìm hiểu về nguồn thủy điện do người dân tự tạo ra trên núi, người phụ nữ bám theo chúng tôi thôi không mời chào mua bán nữa.

Chúng tôi lân la hỏi chuyện về công việc cúng thuê này của bà. Thì ra bên trong đội quân cúng thuê này là hàng loạt những luật lệ mà họ tự đặt ra với nhau, để tránh cảnh tranh giành đất kiếm sống.

Bất cứ ai tham gia hành nghề cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc đó. Lâu lâu có ai "lách luật" mà bị phát hiện, nếu không tự dàn xếp được thì sẽ xảy ra một màn hỗn chiến. Nhưng đa số là phần thắng vẫn thuộc về những người chấp hành luật lệ.

Người phụ nữ cúng thuê tự giới thiệu bà tên Bình, nhà ở cách đây chừng 1 cây số. Bà làm nghề này từ khoảng những năm 1997 đến giờ. Không phải bà hành nghề một cách tự do, mà có quy định hẳn hoi, dưới sự quản lý của người trưởng nhóm.

Cúng thuê ở đây chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm khoảng 40 - 50 người, có một trưởng nhóm giám sát và phân chia thời gian và địa phận hành nghề. Mỗi tháng bình quân bà cũng kiếm được khoảng 3 - 4 triệu từ công việc này.

Xã hội - Giáp mặt “giang hồ” ăn bám chốn cửa thiền (Hình 2).

Một cò cúng đi theo khách lên núi.

Với những khách đi theo xe du lịch, đi theo đoàn thì cứ một xe du lịch sẽ có 2 cò cúng thuê "chăm sóc", xe tiếp theo là của 2 cò khác, lần lượt xoay vòng cho đến hết số người trong nhóm cúng thì lại bắt đầu một vòng khác nối tiếp nhau.

Còn với những khách đi lẻ như chúng tôi thì tùy cò cúng nào tiếp cận trước thì sẽ là của cò ấy, không người nào khác được tranh giành. Cò nào đi với khách nào dọc đường lên núi này những cò khác và trưởng nhóm sẽ quan sát và biết hết.

Do khách hành hương lên núi không kể thời gian là ngày hay đêm, thậm chí 12h đêm đến sáng vẫn có khách lên núi nên những người sống bằng mọi dịch vụ tại đây cũng mở cửa thâu đêm suốt sáng như vậy.

Còn đội quân cúng thuê thì chia ca hoạt động, từ 12h trưa hôm nay đến sáng hôm sau, và có luật cụ thể. Bà Bình cho biết: "Nếu hôm đó là ngày cô làm, lượt của cô là chiếc xe khách đầu tiên, chỉ cần cô đi muộn một chút mà có khách là trưởng nhóm sẽ tự đôn người ở lượt thứ 2 thế vào đó, mình phải chờ hết một vòng 50 người mới đến lượt mình lại".

Trong một nhóm cúng thuê sẽ có những người tuổi khá cao, không còn sức để leo núi cả ngày theo khách như vậy nữa. Nhưng họ vẫn không nghỉ làm, nếu mệt không leo được họ sẽ thỏa thuận cùng người làm chung với mình ngày hôm đó, hoặc những người trẻ trong nhóm.

Những người này sẽ bám theo cả những khách của những người lớn tuổi và chung chia lại cho họ. Thay vì họ được 100% số tiền cúng thuê nếu làm vậy thì họ chỉ được khoảng 50%.

Ngay cả việc mang vác đồ thuê cho khách lên núi cũng vậy. Cứ 2 cò cúng theo 1 xe khách đi theo đoàn, trong đoàn đó có người nào yêu cầu vác đồ thuê lên núi thì cò cúng nào trực tiếp vác thì sẽ được nhận 60% số tiền công, người còn lại được hưởng 40%, sau khi đã chia phần cho người trưởng nhóm.

Ngay cả việc mua đèn nhang, muối gạo cúng chùa cũng vậy. Khách hàng không thích mua của người bán đang đi theo mình, có thể mua của những người khác, nhưng sau đó số tiền bán được hai người bán hàng sẽ tự thỏa thuận với nhau.

Theo luật thì nó sẽ thuộc về người đi theo khách từ lúc đầu. Nếu người bán được hàng không chịu trả lại tiền, họ sẽ lời qua tiếng lại, thậm chí là đánh chửi nhau để giành giật số tiền đó.

Đeo bám khách, đồn thổi những điều mê tín dị đoan và dở chiêu trò buôn thần bán thánh với khách hành hương đã thành "căn bệnh nan y" ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Và đáng buồn thay chuyện này vẫn ngang nhiên diễn ra trên ngọn núi đã được xếp hạng Di tích quốc gia này.

Một số người dân sống ở dưới chân núi lắc đầu cho biết: "Cái nghề này hốt bạc lắm đấy. Nhiều khi khách đặt mua heo quay, nhưng sau khi nhận tiền, có cò giả vờ mua heo quay nhưng thực chất là thuê, khi cúng xong khách xuống núi thì cò trả lại cho chủ chờ thuê lần khác".

Chúng tôi hỏi chị chính quyền ở đây không làm gì để dẹp bỏ sao? Họ nói: "Chuyện này đã thành thông lệ ở đây rồi, dễ gì mà dẹp được. Họ kiếm sống bằng cái nghề cúng thuê này cả mấy chục năm ở đây rồi. Vẫn thấy ban quản lý thông báo cấm cúng thuê trên loa đài và cảnh báo khách nhưng có ai nghe đâu.

Dạo trước chính quyền cũng làm dữ lắm, họ xây bờ rào quanh gốc cây để không ai còn bày đồ cúng ở đó thì khách họ cúng đầy dọc đường đi nên đành chịu không cấm nổi".

Lam Giang