Ngược dòng
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đặc biệt. Nước này là thành viên NATO đầu tiên ký thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa với Nga và có lẽ cũng là quốc gia duy nhất vì Moscow mà chống lại tiếng nói chung của liên minh phương Tây.
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì chống lại các lợi ích của NATO và thường làm dịu đi sự gay gắt trong các tuyên bố nhằm vào Moscow.
Trong hành động gần đây, Ankara đã sử dụng quyền phủ quyết để làm suy yếu sự lên án chính thức của NATO đối với vụ việc Belarus chặn máy bay bắt nhân vật đối lập đình đám.
Động thái nới bớt sức nặng trong phản ứng của NATO được coi là trường hợp mới nhất về sự tương hợp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong hành động ăn mòn liên minh 30 thành viên.
Belarus, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, là đồng minh chặt chẽ với Nga - đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Nga Kommersant hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei xác nhận Ankara đã đi ngược lại áp lực của NATO: “Chúng tôi biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ về lập trường như vậy. Chúng tôi hoàn toàn có quan hệ thân thiện, gần gũi với đất nước này”.
Nhưng theo quan điểm của Ankara, các quyết định của họ trong NATO không phải để bênh vực một ai cụ thể mà là nhằm mục đích cân bằng mối quan hệ với Nga.
Niềm hạnh phúc của Nga
Các thành viên của liên minh ngày càng nhận thức rõ hơn về những thách thức và mối đe dọa mà Nga đặt ra đối với khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Ảnh hưởng của Nga đang thể hiện tích cực ở Ukraine và Gruzia, hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang hợp tác chặt chẽ với NATO. Cả hai đều mong muốn gia nhập liên minh trong tương lai.
Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng mối quan hệ với Ukraine và Gruzia. Nước này đã bán máy bay không người lái cho Kiev vào năm 2019 và cam kết hỗ trợ trong bối cảnh lực lượng Nga tăng cường sức nóng dọc biên giới. Ngoài ra, ông Erdogan cũng ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO.
Ông Lavrov gần đây đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những động thái tăng cường hợp tác với Kiev. Trong khi đó, Nga đang thực thi lệnh cấm đi lại liên tục đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Moscow bị cáo buộc muốn biến Biển Đen thành “hồ nước” là mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích an ninh của Mỹ và NATO, cũng như của Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy điều gì khiến Ankara luôn “ngầm giúp” Nga trong liên minh?
Theo Arab News, hổ Nhĩ Kỳ nhận thức được vị trí của mình trong NATO, nhưng nước này cũng phải đối mặt với thực tế là họ không thể tin tưởng các đối tác trong việc cân bằng cách tiếp cận với Nga.
Do đó, Ankara thực hiện chính sách của riêng mìn đối với các quốc gia quan trọng như Ukraine và Gruzia nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga mà không cần đến sự hỗ trợ của phương Tây.
Bởi vậy, Ankara không phải đang giúp Nga như đang “phục tùng ông chủ” hay giúp NATO chống Nga như nhiều người từng nghĩ. Nước này chỉ đơn giản là theo đuổi chính sách cân bằng lợi ích của mình với Nga, từ Syria đến Ukraine.
Trong nhiều thập kỷ, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Nga là trò chơi có tổng bằng không. Khi quan hệ của Ankara với Moscow được cải thiện, thì mối quan hệ với Washington lại suy giảm. Điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với NATO và Nga.
Ankara muốn trở thành quốc gia độc lập tương đối trong NATO, nhưng chính sách đó đã đẩy họ vào chân tường. NATO - chủ yếu bị chi phối bởi ý chí của Washington - thúc ép Thổ Nhĩ Kỳ phải có lập trường rõ ràng hơn và xác định đúng vị trí mà nước này muốn nắm giữ trong cán cân NATO-Nga.
Nhưng ở hướng ngược lại, Moscow lại không cần Thổ Nhĩ Kỳ phải “rõ ràng” như vậy. Nga vui vẻ với chính sách độc lập tương đối của Ankara, miễn là điều này không xâm phạm lợi ích của họ.