Chiều 1/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần đã chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, thực hiện công tác bảo đảm hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế
Theo báo cáo, Bộ Y tế thông tin việc mua sắm chung gặp những khó khăn như: Dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, tại một số thời điểm một số mặt hàng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm rất khó khăn về nguồn cung; giá hàng hóa tăng cao đột biến cho nên khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức mua sắm.
Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc-xin,... phải nhập khẩu dẫn tới chưa kịp thời, bị động, chi phí cao; một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”; có tâm lý e ngại, không chủ động thực hiện mua sắm;...
Về mua sắm tại Bộ Y tế, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dự toán kinh phí cho Bộ Y tế để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch là 3.744,1 tỷ đồng.
Đến nay, kinh phí đã sử dụng là 474,3 tỷ đồng, đạt 12,6%. Cùng với việc tổ chức mua sắm, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã huy động viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước.
Do đó, mặc dù số lượng mua sắm từ nguồn ngân sách còn thấp, nhưng với các nguồn viện trợ, tài trợ đã góp phần quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm hậu cần phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng gặp một số vướng mắc trong việc mua sắm qua UNDP, mua sắm từ nhà sản xuất nước ngoài,... qua đó, Bộ Y tế đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ trong công tác mua sắm vật tư trang thiết bị y tế phù hợp với tình hình thực tế thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, tồn tại khó khăn trong quá trình này là do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do công tác tổ chức thực thi mua sắm chưa được thực hiện tốt, cả ở bộ và ở các địa phương.
Bên cạnh đó, việc mua sắm cũng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan là vật tư y tế, sinh phẩm trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nguồn cung khan hiếm,... một số sinh phẩm, sản phẩm mới, thời điểm dịch vừa bùng phát, do khan hiếm nên giá cả rất cao, nhất là mặt hàng kit xét nghiệm, đến thời điểm hiện nay, giá đã giảm, do có nhiều nhà cung cấp với nhiều chủng loại, chất lượng...
Do dư luận tiếp cận chưa đầy đủ, hiểu chưa đầy đủ nên đã có phản ứng trái chiều. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch về giá và công tác mua sắm.
Bên cạnh đó, một số quy định về pháp luật cũng chưa đầy đủ, tuy nhiên với cơ chế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tổ chức mua sắm kịp thời, đầy đủ.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức, khi lập kế hoạch, kể cả về kinh phí, trang bị, phục vụ các phương án phòng chống dịch theo các kịch bản của Bộ Y tế có lúc còn chưa sát với tình hình thực tế, dẫn đến việc tổ chức triển khai mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp vướng mắc....
Tập trung giải quyết một số vấn đề
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh mới, khi chiến lược chống dịch đã thay đổi (theo Nghị quyết 128/NQ-CP), cả về công tác chuyên môn, hậu cần cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung giải quyết các vấn đề:
Bộ Y tế tính toán nhu cầu về trang thiết bị y tế, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian sắp tới, sát với tình hình ở cả cấp Trung ương, địa phương; nguồn kinh phí; xác định rõ loại thiết bị nào có thể sử dụng lâu dài, thiết bị nào cần phải mua ngay, loại nào khi dịch có dấu hiệu bùng phát có thể đặt hàng kịp thời...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải rà soát, thống kê, tính toán chi tiết nhu cầu tổng thể về số lượng vật tư, trang thiết bị y tế cần mua mới để tổ chức mua sắm, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cả ở trung ương, địa phương, cả nhu cầu trước mắt và lâu dài,... để mua sắm, sử dụng hiệu quả.
Với kinh phí đã phân bổ cho Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương, phải tính toán chi tiết. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, cân đối, bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, chủ động, hiệu quả.
Về việc tổ chức mua sắm, pháp luật đã quy định, mô hình thực tiễn cũng đã có, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch, rõ ràng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong vòng 10 ngày nữa, Bộ Y tế phải tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế,... theo đúng kịch bản phòng, chống dịch bệnh đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.