Chính sách với Syria của Nga kể từ khi Moscow can thiệp vào quốc gia Trung Đông này năm 2015 đã thành công đáng kể. Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad dường như không có nguy cơ bị lật đổ bởi bất kỳ đối thủ nội bộ nào mà còn có thể chiếm lại phần lớn lãnh thổ từng rơi vào tay phe đối lập.
Trong khi đó, Nga đã duy trì và mở rộng căn cứ hải quân trên bờ biển Syria, nơi mà nước này có thể bị mất nếu chính quyền ông Assad bị lật đổ. Ngoài ra, Nga cũng có được một căn cứ không quân.
Một số đồng minh Trung Đông của Mỹ - bao gồm Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain – rất vui vì coi sự hiện diện của Nga ở Syria là nhằm mục đích kiểm tra ảnh hưởng của Iran ở đó. Chính quyền Mỹ dưới thời ông Obama và ông Trump đã không thách thức nghiêm trọng sự hiện diện của Nga ở Syria và chính quyền ông Biden dường như cũng vậy.
Những thành tựu đáng kể này Nga có được với chi phí tương đối thấp. Thực sự, việc can thiệp quy mô nhỏ của Nga vào Syria đã thành công hơn nhiều so với những cuộc can thiệp lớn hơn nhiều của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, Moscow đang phải đối mặt với một số vấn đề ở Syria. Nga đã hy vọng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chế độ của ông Assad và ít nhất là một số đối thủ nội bộ của họ, nhưng sự can thiệp của Nga càng khiến ông Assad cảm thấy an toàn hơn thì ông càng không sẵn sàng nhượng bộ đối thủ. Matxcơva cũng đã không thể thuyết phục phương Tây, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh hoặc Trung Quốc tài trợ cho nỗ lực tái thiết khổng lồ mà Nga không thể tự mình thực hiện. Trong khi đó, Syria luôn cần tài trợ để ổn định đất nước.
Hơn nữa, Tổng thống Assad có thể vẫn chưa thể lãnh đạo trong một thời gian khi mà báo cáo gần đây cho rằng ông đã xét nghiệm dương tính với COVID-19. Đây là một lời nhắc nhở rằng nếu ông Assad không còn có thể cầm quyền, một cuộc đấu tranh kế vị có thể dẫn đến xung đột ngoài tầm kiểm soát. Ngoài ra còn có viễn cảnh xung đột mới giữa một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, một bên là cả chính phủ Assad và các đối thủ của họ.
Có câu ngạn ngữ rằng: “Khi mục đích của một liên minh kết thúc, thì bản thân liên minh đó cũng kết thúc”. Điều này có thể phát huy tác dụng nếu Nga và Iran bắt đầu tập trung vào việc cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria một khi họ thấy các đối thủ chung của mình ở đó không còn là mối đe dọa nữa.
Những gì Moscow có thể làm tốt là nỗ lực thúc đẩy các đồng minh trong chính quyền Assad, cũng như với các bên đối lập sẵn sàng làm việc với những nhân vật không phải là ông Assad. Hy vọng Nga sẽ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran và Hezbollah, điều này giúp Nga hạn chế ảnh hưởng của Iran mà không cần phải triển khai các cuộc tấn công khốc liệt, The Hill bình luận.
Và nếu quan hệ của Matxcơva với các nước Ả Rập vùng Vịnh và Israel được cải thiện hơn nữa, thì điều đó có thể thuyết phục các nước này tài trợ cho các nỗ lực tái thiết do Nga dẫn đầu.
Do đó, ảnh hưởng của Nga ở Syria không chỉ có khả năng tiếp tục mà còn được hỗ trợ ở một mức độ nào đó bởi các đồng minh Trung Đông của Mỹ, những người coi sự hiện diện của Nga ở đó là tốt hơn so với Iran. Và nếu các đồng minh của Mỹ trong khu vực nhận thấy lợi thế khi Nga tiếp tục hiện diện ở Syria, Mỹ có thể không triển khai các hoạt động chống lại Moscow nhằm không làm tổn hại đến quan hệ của nước này với các đối tác Trung Đông. Tuy nhiên, sự bất ổn cố hữu của cuộc xung đột Syria có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng phát sinh mà Moscow sẽ không thể kiềm chế.