Những ngày vừa qua, dư luận tại xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) xôn xao trước thông tin 210 tấn xi măng được hỗ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới, bị hư hỏng và phải bỏ đi, gây lãng phí nghiêm trọng.

Số xi măng phục vụ xây dựng nông thôn mới đã bị hư hỏng.
Cụ thể, năm 2024, UBND xã Lộc Yên được tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí mua xi măng để làm đường giao thông nông thôn mới. Công tác đấu thầu do UBND huyện Hương Khê thực hiện; đến tháng 12/2024, xã Lộc Yên tiếp nhận 210 tấn xi măng, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Toàn bộ số xi măng được tập kết tại sân bóng thôn Bình Phúc và phủ bạt che. Tuy nhiên, do khâu bảo quản thiếu quy chuẩn, phần lớn số xi măng đã bị vón cục, đông cứng, không thể sử dụng.
Trước phản ánh của người dân, ngày 17/5, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Lộc Yên – để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Kỷ – Giám đốc Công ty Luật Kỷ Nguyễn & Cộng sự chia sẻ, Hà Tĩnh là địa phương đạt nhiều thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Để có được kết quả ấy, tỉnh đã huy động hiệu quả nhiều nguồn lực.

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ chia sẻ với PV.
Do đó, việc 210 tấn xi măng bị hư hỏng chỉ vì bảo quản sai quy trình không những gây thiệt hại vật chất cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Quyết định tạm đình chỉ Chủ tịch UBND xã Lộc Yên là động thái cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức và thể hiện sự nghiêm minh của chính quyền địa phương.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Kỷ phân tích, hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản Nhà nước – dẫn đến hư hỏng, lãng phí – có thể cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể: Thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: phạt cảnh cáo hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng: phạt tù 1 – 5 năm. Thiệt hại từ 2 tỷ đồng trở lên: phạt tù 5 – 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
"Nếu kết quả giám định cho thấy thiệt hại vượt ngưỡng 100 triệu đồng, cơ quan điều tra hoàn toàn có cơ sở khởi tố vụ án hình sự", luật sư Kỷ nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Luật Kỷ Nguyễn & Cộng sự cũng cho rằng, vụ việc 210 tấn xi măng bị hư hỏng tại xã Lộc Yên không chỉ là bài học đắt giá về công tác quản lý, bảo quản vật tư xây dựng mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm cá nhân trong sử dụng tài sản công.
"Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước thực hành tiết kiệm, quyết liệt chống lãng phí, dư luận đang trông đợi cơ quan chức năng sớm làm rõ sai phạm, xử lý đúng người, đúng tội, đồng thời rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những lãng phí đáng tiếc trong các chương trình mục tiêu quốc gia", luật sư Nguyễn Văn Kỷ nhận định.