Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Chuyện cấp bách, không thể chậm trễ

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Chuyện cấp bách, không thể chậm trễ

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 30/12/2021 17:22

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sắp được thông qua sẽ thúc đẩy tăng trưởng 2 năm tới và dư âm còn hết nhiệm kỳ.

Chiều 30/12, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Thông tin tại phiên họp, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến 11/1/2022 để xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết theo đề nghị của Thủ tướng và sự xem xét kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp này, đại biểu họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu các tỉnh, thành; biểu quyết qua phần mềm.

4 nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định bao gồm: Đầu tiên là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Thứ hai, chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025; Thứ ba, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Thứ tư, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Cần Thơ.

Tiêu điểm - Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Chuyện cấp bách, không thể chậm trễ

Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV sẽ tập trung 4 nội dung quan trọng (Ảnh: Duy Khánh).

Tại buổi họp, báo chí đặt nhiều nội dung câu hỏi liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, bà Phạm Thị Hồng Yến - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) cho biết, dự thảo Nghị quyết về nội dung này sẽ bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách Nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.

Gói này sẽ tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực.

Theo bà Yến, gói này có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực; được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa; có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế.

Tiêu điểm - Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Chuyện cấp bách, không thể chậm trễ (Hình 2).

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Duy Khánh).

Vấn đề tiếp theo được bà Yến đề cập là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Cũng đề cập nội dung trên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, gói chính sách tiền tệ, tài khoá là hết sức quan trọng.

“Tăng trưởng GDP năm nay là 2,58%, nếu gói này được thông qua đầu năm 2022 thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng hai năm 2022- 2023 và dư âm còn hết nhiệm kỳ. Nếu để đến tháng 5 Quốc hội mới quyết định ở kỳ họp thứ ba thì sẽ chậm 5 tháng, mà đây là câu chuyện cấp bách nên không thể chậm trễ”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng nêu 3 nội dung còn lại của kỳ họp bất thường là dự án một luật sửa 8 luật, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cơ chế đặc thù cho Cần Thơ và khẳng định đây đều là các nội dung rất cấp thiết.

“Các nội dung này để chậm một ngày đã khác chứ đừng nói chậm 4-5 tháng nên kỳ họp bất thường của Quốc hội là cần thiết để phục hồi và phát triển kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Được hỏi quan điểm về gói hỗ trợ, ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nói rằng, với bối cảnh của nền kinh tế hai năm qua thì cần có chính sách để vực dậy tăng trưởng. Nhưng ở mức độ nào thì cần tính toán thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chưa bao giờ khó khăn thế này mà vĩ mô vẫn ổn định, đây là động lực lớn nhất, tới đây phải bơm thêm tiền, sẽ tăng bội chi, tăng nợ công là điều chắc chắn, cần tính toán ở mức độ nhất định”, ông Toàn nói.

Thông tin thêm tại cuộc họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sáng mai (31/12/2021), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để xem xét Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại kỳ họp này Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình sử dụng ngân sách cho chống dịch, trong đó có vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

“Vụ việc hiện nay đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp gì thêm, song xoay quanh việc mua sắm sẽ có báo cáo”, ông Cường nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.