Trong một đánh giá hồi tháng 7/2021, Chính phủ Nhật Bản dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế khoảng 2,2% cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2022. Gói chi tiêu lớn kỷ lục trên nhằm giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua tác động thảm khốc của đại dịch Covid-19.
Hiện gói này ước tính sẽ đẩy tăng trưởng GDP của Nhật lên 5,6% trong năm tài chính 2022, Reuters dẫn nguồn đài NHK cho biết hôm 6/12.
Nhật Bản đã chậm hơn so với các nền kinh tế khác trong việc thoát ra khỏi sự suy thoái bắt nguồn từ tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, buộc các nhà hoạch định chính sách nước này phải duy trì hỗ trợ tài chính và tiền tệ lớn ngay cả khi các quốc gia phát triển khác đang khôi dần phục các chính sách thời kỳ tiền khủng hoảng.
Nền kinh tế số 3 thế giới đã thu hẹp nhiều hơn dự kiến trong quý III/2021 do tiêu dùng và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các hạn chế liên quan đến đại dịch và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Việc Nhật Bản áp dụng 3 gói chi tiêu khổng lồ nhằm chống lại đại dịch đã khiến nước này phải gánh khoản nợ dài hạn tồn đọng gần gấp đôi quy mô nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD.
Gói kích thích kinh tế với giá trị lớn kỷ lục 490 tỷ USD (56 nghìn tỷ Yên) được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố hồi tháng 11 nhằm giúp thúc đẩy sự phục hồi hậu đại dịch của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Đợt bơm 56 nghìn tỷ Yên này là đợt thứ ba kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Theo Thủ tướng Kishida, như vậy là "đủ để mang lại cảm giác an toàn và hy vọng cho người dân Nhật Bản".
Gói chi tiêu 56 nghìn tỷ Yên - khoảng 10% tổng GDP của Nhật Bản - dự kiến sẽ tăng lên tới 79 nghìn tỷ Yên, bao gồm các yếu tố khác như các khoản vay từ các quỹ tư nhân, Thủ tướng cho biết.
Gói kích thích kinh tế này có quy mô lớn hơn của các gói được tung ra dưới thời các cựu Thủ tướng Yoshihide Suga and Shinzo Abe. Suga và Abe đã rót lần lượt 40 nghìn tỷ Yên (350 tỷ USD) và 38 nghìn tỷ Yên (333 tỷ USD) vào nền kinh tế Nhật Bản năm 2020.
Minh Đức (Theo Reuters, NDTV)